Năm mới, khởi đầu mới.
Chắc hẳn các bạn trong kì nghỉ tết đã dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm và lên kế hoạch cho một năm mới tốt hơn năm cũ. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, bắt đầu thôi?
Năm nào cũng thế, thời điểm chuyển giao năm cũ và mới là thời điểm tôi hay nhìn lại rất nhiều và nảy ra những ý tưởng mới. Nhưng số lượng ý tưởng được tôi thực sự thực hiện là bao nhiêu? Không quá 20%… Ngay cả việc lập kênh blog và viết nhật kí hàng ngày, cũng bị tôi trì hoãn từ ít nhất năm 2020 khi đại dịch xảy, tôi tưởng tôi có nhiều thời gian rảnh hơn do làm việc ở nhà.
Mỗi khi tôi có ý định lười hay trì hoãn một việc gì đó, tôi thường điểm qua những nguyên tắc sau đây để mình có thêm động lực để bắt đầu:
Nguyên tắc 2 phút
Lần đầu tôi biết đến mẹo nhỏ nhưng thực sự có võ này là khi đọc cuốn sách “Atomic Habits” của tác giả James Clear – cuốn sách thực sự thay đổi cuộc đời và cách làm việc cũng như sắp xếp kế hoạch của tôi. Nguyên tắc 2 phút hoạt động như sau:
Nếu đó là một việc nhỏ có thể hoàn thành trong vòng 2 phút: hãy làm nó ngay bây giờ. James Clear cũng học được mẹo này qua cuốn sách bán chạy nhất của David Allen – Getting things done. Có rất nhiều việc mà chúng ta nghĩ là mình có thể hoàn thành trong thời gian rất nhanh, nhưng lại luôn bỏ nó lại “chờ tí rồi làm” vì suy nghĩ đó. Vậy thì tại sao không đặt ra cho mình một quy tắc và đứng lên làm nó ngay bây giờ?
Rửa chén đũa khi vừa mới ăn xong, quét đống vụ bánh mì trên sàn nhà, đổ rác, gọi điện đặt một cuộc hẹn đi bác sĩ hay viết một chiếc mail hỏi về khoá học mới mà bạn đang quan tâm. Thực sự có rất nhiều việc nhỏ chúng ta có thể hoàn thành trong vòng 2 phút và gạch nó ra khỏi đầu của mình hơn là nói câu quen thuộc “để đấy tí ta làm” rồi tới cuối ngày luôn cảm thấy bận rộn vì trong đầu luôn có quá nhiều việc mà chưa kịp làm.
Nguyên tắc 5 phút
Có thể nói nguyên tắc này được thiết lập dựa theo nguyên tắc 2 phút vừa nói trên.
Trong tâm lý học hành vi nhận thức (cognitive behavioural psychology), sự trì hoãn, hay tiếng việt còn nói nôm na là sự “lười” xuất phát điểm từ sự sợ hãi hay xung đột. Sợ thất bại, sợ bị phê bình, chỉ trích, hoặc cảm thấy căng thẳng, xung đột về lợi ích. Thay vì dành thời gian đi chạy bộ và đọc sách, viết nhật ký, học thêm thì bộ não nhận được những hormone sung sướng (serotonin) và thoải mái hơn khi nằm xem youtube, ăn bánh ngọt, chơi game, vân vân.
Vì vậy hầu hết những việc người ta trì hoãn thường không phải vì nó khó, mà là vì những nỗi sợ và những xung đột trên. Đặc biệt, không phải là hành động hay công việc đó bản chất nó khó, mà việc thực sự bắt đầu xắn tay vào làm việc, mới là khó. Có những việc bạn càng trì hoãn lâu, thì nỗi sợ hay sự xung đột lợi ích đó càng tăng lên, khiến bạn thêm căng thẳng mỗi khi nghĩ đến việc phải bắt đầu. Đây là một vòng tròn luẩn quẩn mà đối với nhiều người, nó có thể lớn tới mức trở thành rào cản giữa bạn và bất cứ một việc gì, chứ chưa nói tới thành công.
Trong tâm lý học, người ta đã phát triển nên quy tắc vàng 5 phút để đánh bại sự lười nhác và tâm lý thích trì hoãn. Với bất cứ việc gì bạn biết là mình nên hay phải làm, nhưng đang trì hoãn nó, hãy đặt ra mục tiêu, thậm chí đồng hồ bấm giờ trong vòng 5 phút và bắt đầu làm nó. Nếu sau 5 phút bạn cảm thấy việc mình đang làm quá tệ, chán, thì bạn có quyền dừng lại, vì ít nhất bạn đã thử bắt đầu.
Hầu hết mọi người sẽ nhận ra việc thực sự bắt đầu không khó như mình nghĩ và không hề dừng lại trong 5 phút, có thể bạn sẽ dừng lại sau 30 phút, 1 tiếng, nhưng ít nhất bằng việc ngồi xuống và bắt đầu trong 5 phút, bạn đã cho bộ não của mình vượt qua cảm giác sợ hãi và căng thẳng. Tôi cá là có nhiều bạn còn cảm thấy phê hơn khi đã tìm được flow trong việc mình làm ấy chứ.
Nguyên tắc 10 phút
Vâng, đọc đến đây thì là một cú lừa để bạn scroll tiếp.
Nguyên tắc 10 phút thực ra là một version khác của nguyên tắc 5 phút. Nếu bạn đã thử được 5 phút, tại sao không thử một việc gì đó trong vòng 10 phút. Nếu đã làm được 10 phút, tại sao không thử thành 20 phút, 30 phút. Số phút có thể khác nhau nhưng ý tưởng đằng sau đó là như nhau. Khi đứng trước một việc gì đó cảm giác quá lớn hay quá khó để bắt đầu, hãy cho mình một mục tiêu là chỉ bắt đầu trong vòng “một số ít” phút và bạn sẽ thực sự ngạc nhiên khi thấy mình không còn sợ hãi sự bắt đầu nữa.
Vậy thì tại sao người ta không dừng lại sau khi đã hoàn thành 10, 20, 30 phút như đã đề ra mà thường sẽ tiếp tục làm lâu hơn con số đó? Tại sao quy tắc trên lại “work”?
Đâu là động lực?
Đâu là đà để chúng ta bắt đầu và thực hiện việc mình muốn làm tới tận cùng?
Để giải thích việc này chúng ta cần quay lại với định luật chuyển động đầu tiên của Newton hay còn gọi là luật quán tính (Newton’s first Law of Motion)
“Every body remains in a state of constant velocity unless acted upon by an external unbalanced force.”
Tác giả James Clear đã giải thích trong cuốn sách của mình, động lực không phải cái gì tự nhiên có được hay nó không phải là lý do khiến ta bắt đầu làm việc, động lực xuất phát từ kết quả của hành động của chính chúng ta. Chính những thành công nho nhỏ khi ta bắt đầu được 2 phút, 5 phút, 10 phút là thứ cho chúng ta động lực.
Đúng vậy, nếu chúng ta không làm một hành động gì đó để tác động lên chính mình, thì hầu hết mỗi chúng ta sẽ mãi mãi “tắc” trong quán tính của chính mình.
Vậy làm sao để tạo được đà (momentum) cho động lực (motivation), làm sao để có được trạng thái “flow”, nói nôm na là trạng thái tập trung hiệu quả?
Câu trả lời trong cuốn sách là bạn cần xây dựng kỉ luật (discipline) và bạn nên sử dụng những quy tắc cơ bản kia để tạo cho mình thói quen, hình thành kỉ luật đó. Kỉ luật chính là bộ máy khiến bạn sản sinh ra những hành động nhỏ.
Hành động nhỏ, dẫn tới thành công nhỏ, thành công nhỏ sản sinh ra động lực nhỏ. Động lực nhỏ lại khiến bạn tiếp tục với hành động lớn hơn, cứ thế, cứ thế, tạo đà cho những động lực được sản sinh tiếp theo.
Như đã thấy, thường thì chúng ta cảm thấy sợ, lười, đau đớn hay có sự chống đối tự thân cao nhất là ngay trước khi bắt đầu.
Một khi ta đã bắt đầu thì những cảm giác đó cũng giảm dần theo thời gian, và nó tiệm cận về một số nhỏ khi bạn đã đạt được “flow state”. James Clear gọi nguyên lý này là vật lý học của năng suất. Cũng giống như một hòn đá đặt trên đỉnh đồi, nếu không ai đẩy nó xuống thì nó sẽ mãi đứng nguyên đó, nhưng chỉ cần một lực đẩy hòn đá đó đi, có thể nó sẽ lăn xuống với vận tốc mà tự nó khó có thể dừng lại được nếu như không có ai tác động một lực khác nữa vào nó.
Kết
Trong quá trình đánh bại sự lười nhác của mình, tôi áp dụng chính nguyên lý này vào rất nhiều việc. Dành ra chỉ 10 phút tập thể dục buổi sáng hay ngồi thiền. Chính việc ghi chép nhật ký này, tôi không hề bắt đầu với mục tiêu quá 20 phút, nhưng bạn biết không, bây giờ hầu như ngày nào tôi cũng ngồi làm việc với những suy nghĩ của mình ít nhất một tiếng.
Tất nhiên, không phải lúc nào tôi cũng kỉ luật 100%. Không ai trong chúng ta là hoàn hảo, nhưng điều quan trọng là chúng ta ý thức, chấp nhận được nó và tìm cách tác động hay có những chiến lược tích cực để thay đổi bản thân.
Nếu bạn đang muốn làm một việc gì đó mà chưa bắt đầu, chúc bạn sử dụng thành công quy tắc này vào cuộc sống của mình nhé.
Trang blog được thành lập và quản lý chỉ bởi một người (chính mình). Nếu bạn thích bài viết này hoặc muốn ủng hộ blog của mình, cách tốt nhất là kể về nó hoặc chia sẻ nó với bạn bè hay những người xung quanh mà bạn cho là bài viết này có thể hữu ích cho họ. Cheers 😉