…. Để thực sự đạt được những mục tiêu ấy.
Có lẽ nghe tựa đề mọi người sẽ nghĩ ngay tới cụm từ SMART goal. Nhưng việc đặt mục tiêu và quan trọng hơn là để hoàn thành được mục tiêu đó không chỉ đơn giản đến thế.
Đây không còn phải là một chủ đề mới nữa nên mình sẽ không nhắc lại nhiều phần lý thuyết mà sẽ đưa ra những ví dụ cụ thể cách mình đặt mục tiêu cho cá nhân mình cho người đọc dễ hình dung.
1. Đặt mục tiêu là gì?
Việc đặt mục tiêu là hành động bạn đưa ra một mục đích và kết quả cụ thể cùng với một kế hoạch giúp bạn đạt được mục đích đó trong tương lai.
Tức là, việc đầu tiên nhiều người nghĩ đến khi đặt mục tiêu đó là kết quả, trạng thái cuối cùng họ mong muốn có được (end results). Nhiều người cho rằng định nghĩa mục tiêu thế là đủ, nhưng tác giả Mark Manson cho rằng, khi nghĩ tới việc đặt mục tiêu, thay vì việc nghĩ tới kết quả cuối cùng hay thành công mà mình mong muốn, bạn nên nghĩ tới những gì bạn thực sự sẵn sàng để hi sinh, những “nỗi đau” bạn có thể chấp nhận được, cái giá mà bạn muốn trả.
Ví dụ như, một việc mình rất hay thường nghe đó là nhiều người muốn giảm cân nhanh, vậy cái giá mà bạn có thể trả được là gì? Kiêng đồ ăn nhanh, đồ ngọt hay thức uống có đường và niềm vui mà nó mang lại, kiêng đi ăn hàng với bạn bè? Bạn có thể hi sinh lối sống hay sự giao lưu xã hội của mình không?
Mình thấy nếu nghĩ tới mục tiêu với lăng kính như vậy, những mục tiêu sẽ trở nên thực tế vô cùng vì bạn sẽ nhận ra giới hạn của sự hi sinh và “nỗi đau” bạn thực sự muốn và có thể chấp nhận là gì. Rất nhiều người muốn làm giàu, nhưng chỉ có số ít muốn bỏ thời gian và công sức ra học những bài học thực tế và đau thương trên thương trường.
Vậy phép thử của bạn là gì, hãy lấy giấy và viết ra 5 điều bạn muốn có được trong tương lai, với mỗi điều tương ứng, hãy nghĩ về những thứ bạn sẵn sàng đánh đổi và những hi sinh bạn có thể chấp nhận được để đổi lại những mục tiêu ấy. Bạn sẽ thấy để viết ra được danh sách thứ nhất khá dễ dàng, với danh sách thứ hai, bạn sẽ phải động não, nó khiến bạn phải suy nghĩ lại về danh sách thứ nhất đó.
2. Bắt đầu từ tổng thể
Mình bắt đầu từ mục tiêu lớn, một big vision nào đó, đó là cách của mình, vì thường rất khó để biết chính xác mình muốn đạt được gì và nó phải có những tiêu chí SMART ra sao (sẽ đề cập ở dưới). Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome nhưng mỗi người phải biết cho mình thành Rome của bạn nằm ở đâu đã.
Ví dụ, bắt đầu bằng việc suy nghĩ về bản thân trong 10 năm tới, lúc đó, bạn muốn mình đang làm gì, ở đâu, có lối sống như thế nào, bạn muốn sở hữu (gì đó), hay khám phá (những nơi nào đó). Một trong những cách thức rất hay mình học được khi làm UI/UX đó là kĩ thuật “postcard from the future” – hay còn gọi là tấm bưu thiếp từ tương lai. Tưởng tượng bạn là Quỳnh/ Thảo/ Mai… của 10 năm sau, viết và gửi một tấm postcard cho bản thân mình ở năm 2022, trên đó, bạn muốn nó có hình ảnh gì, trong tấm thiệp, bạn sẽ viết gì cho mình ở hiện tại để kể về cuộc sống của bạn trong tương lai. Điều này nghe thật trẻ con, nhưng khi bạn bắt đầu ngồi xuống và vẽ, viết, bạn sẽ thấy mình sáng tạo nhiều hơn mình tưởng đó.
Những hạng mục mà bạn có thể suy nghĩ cho tương lai ví dụ như là:
- Gia đình
- Giáo dục
- Sự nghiệp
- Cách sống, lối sống
- Nghệ thuật
- Tư duy/mindset
- Thể chất
- Tinh thần
- Hoạt động cộng đồng, thiện nguyện
- ……
Không nhất thiết phải cover hết những hạng mục này nhưng đây sẽ là kim chỉ nam cho rất nhiều những mục tiêu nhỏ mà bạn sẽ đặt ra sau đó. Đặc biệt, nên suy nghĩ với lăng kính của riêng mình vì đây là mục tiêu cá nhân, rất có thể bạn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều từ gia đình bạn bè và xã hội nhưng cố gắng đừng để mục tiêu của mình trở thành mục tiêu của họ.
3. Tinh giản hoá
Sau khi đã có một bức tranh mờ mờ ảo ảo về thành Rome rồi thì mình bắt đầu làm việc với từng hạng mục trên để chia nhỏ những mục tiêu lớn thành mục tiêu nhỏ hơn, dễ thực hiện hơn trong tương lai gần (đối đã trong 5 năm tới). Giống như kiểu bây giờ mình đi vẽ thêm đồi núi, sông suối, làng mạc, cầu, đường cho bức tranh của mình vậy.
Cũng giống như bước trên mình giảm timeline xuống dần trước tiên còn 5 năm, sau đó lại tiếp tục chia nhỏ hơn. Ví dụ: vậy để đạt được [vị trí] này trong 5 năm thì trước đó trong vòng [3 năm] mình cần đạt được gì? Lại tiếp tục, vậy trong 1-2 năm tới cần phải ở chỗ nào rồi. Lại tiếp tục… vậy trong 6 tháng tới phải ở chỗ nào rồi… Nếu bạn cẩn thận hơn thì có thể thậm chí tự hỏi mình, vậy 1 tháng sau mình phải ở đâu rồi, vậy hàng ngày mình phải làm gì… v.v.
Tốt nhất là sử dụng một hình thức visual nào đó để vẽ ra timeline và milestone cho các mục tiêu của bạn, như thế rất dễ để so sánh khi tới hạn từng cột mốc và chỉnh sửa mục tiêu nếu cần thiết (sẽ đề cập ở dưới). Bản thân mình không phải lúc nào cũng chia nhỏ mục tiêu tới mức hàng ngày, do mình biết bản thân mình có thể tự quản trị và quản lý hành vi của mình, miễn là sau 3 tháng, hay 6 tháng, mình đạt được những gì mình đề ra. Nhưng với một số bạn, có thể càng chi tiết sẽ càng tốt, nếu các bạn cần nhiều kỉ luật và sự kiểm nghiệm hơn để làm việc tốt. Một số bạn mình thấy còn có cả danh sách những việc cần làm hàng ngày, mình rất khâm phục. Mình chưa được gọn gàng ngăn nắp như vậy nhưng đây chỉ là cách riêng đã giúp cho mình, hãy cứ làm những gì phù hợp nhất với bạn.
4. Sự tập trung và ưu tiên (rút lại còn một số ít mục tiêu)
Một trong những lý do chúng ta hay bỏ dở hoặc là không đạt được mục tiêu đề ra là vì chúng ta hay ôm đồm quá nhiều thứ một lúc. Có một quy hoạch tổng thể cho cuộc đời bạn là rất tốt, nhưng thực tế thì sức người có hạn. Bạn sẽ không xây thành Rome của bạn trong ngày một ngày hai, mà hãy nhớ, đó là cái bức tranh bạn nhận được từ trên tấm bưu thiệp của 10 năm về sau. Có quá nhiều mục tiêu cùng một lúc sẽ gây tốn kém năng lượng của bạn vì rõ ràng khi bạn thực hiện một mục tiêu nào đó bạn đang hi sinh thời gian và năng lượng mà lẽ ra bạn có thể dành cho những mục tiêu khác.
Vậy nên, một trong những kĩ năng quan trọng để đạt được bất cứ thứ gì là kĩ năng thiết lập sự ưu tiên của từng công việc, mục tiêu, và kĩ năng vất bỏ. Nói vất bỏ không có nghĩa chính xác là bỏ hẳn, mà có thể là tạm thời để sang một bên để tập trung sức lực của bạn vào một số ít mục tiêu cần kíp nhất. Nếu có những mục tiêu na ná nhau hoặc cùng một chủ đề, hãy cứ tàn nhẫn mà loại hết đi những thứ râu ria chỉ để lại một mục tiêu quan trọng nhất. Nó giống như người trồng cây kiểng, cành lá nó mọc lung tung, nếu muốn nuôi nó thành hình bạn muốn thì phải nhẫn tâm cắt hết đi những phần còn lại.
Một số phương pháp hữu ích để đánh giá và thiết lập sự ưu tiên cho những mục tiêu cá nhân mà mình tâm đắc nhất:
Quy luật 5/25 của Warren Buffett
5. SMART goals
Sau khi đã thực sự tập trung lại chỉ còn một số ít mục tiêu mà mình muốn hoàn thành trong vòng 6 tháng, 1 năm, 3 năm, 5 năm, hay thậm chí là có những mục tiêu ở cự ly gần hơn, trong tuần này, tháng này hay trong vòng 2 tháng nữa, thì mình mới dùng tới các tiêu chí SMART để định hình lại mục tiêu và làm cho nó thực tế và dễ triển khai hơn.
Có nhiều phiên bản của SMART nhưng thường thì những chữ cái này tượng trưng cho:
- S – Specific – tức là mục tiêu phải cụ thể
- M – Measurable – mục tiêu phải có cách nào đó đo lường được
- A – Attainable (hay Achievable/ Action-oriented) – mục tiêu phải thực tế, thực hiện được
- R – Relevant (hay Rewarding) – mục tiêu phải có tính liên quan, có tầm quan trọng của nó (trong cái “thành Rome” của bạn)
- T – Time-bound (hay Trackable) – mục tiêu phải có một khoảng thời gian nhất định, phải có deadline
Ví dụ: mình muốn trong mỗi một tháng sẽ hoàn thành thêm ít nhất 4 bài viết (vì thành Rome của mình lúc này là muốn chia sẻ thật nhiều nội dung về phát triển cá nhân cho người đọc).
Ở trong ví dụ này mình sử dụng một cái lower bound – tức là điểm hạn chế bên dưới – “ít nhất”, nó khiến cho bạn có động lực đạt được tới kết quả tối thiểu mà sẽ giúp cho mục tiêu chung. Nhưng cũng sẽ hay nếu bạn sử dụng cả upper bound – điểm hạn chế bên trên, để giúp chúng ta tự lượng sức mình, bảo vệ sức khoẻ và sức bền của bản thân.
Ví dụ: mình muốn mỗi buổi sáng dành ra ít nhất 20 phút để học [ngoại ngữ mới, kĩ năng mới], nhưng không quá 1 tiếng rưỡi.
6. Đo lường, đánh giá và tinh chỉnh
Như đã nói ở bài trước, bản chất của não bộ con người là so sánh và thường chúng ta cảm thấy mãn nguyện nhất khi nhìn thấy mình tiến bộ.
Đo lường và so sánh là phương thức khoa học hữu hiệu khi bạn muốn cải thiện một cái gì đó. Nên điều quan trọng khi thực hiện các mục tiêu và muốn duy trì được thành công lâu dài là phải đo lường nó. Để xem, bạn có thể thực hiện tới đâu, bạn có tiến bộ sau khi đạt được mục tiêu đó không, bạn có mở rộng được những điểm hạn chế của bản thân nữa không. Ví dụ:
- Nếu đạt được mục tiêu nào đó quá dễ dàng, có phải bạn đang xem nhẹ khả năng của mình không? 👉 Thì bạn có thể làm cho mục tiêu lần sau khó hơn chút
- Nếu có nhiều mục tiêu bị trễ deadline 👉 thì một là, xem lại deadline của bạn có thực tế không, điều chỉnh deadline, hai là loại bỏ đi những mục tiêu râu ria mà đang làm cho mục tiêu được ưu tiên nhất bị chậm trễ
- Nếu cảm thấy cần phải thay đổi gì đó để hoàn thành mục tiêu 👉 thì cứ thoải mái thay đổi, mục tiêu cũng không phải là bản hợp đồng hay gì mà bạn sợ bị phạt
- Nếu cảm thấy mình còn thiếu sót kĩ năng gì đó để hoàn thành mục tiêu 👉 có khi việc đáng ưu tiên nhất là bạn phải bồi đắp kĩ năng trước khi tiến tới mục tiêu này
Sau mỗi tuần, mỗi tháng hay mỗi quý bạn có thể ngồi lại và xem lại cái timeline của mình, xem mình đang ở bước nào, chậm hay nhanh tiến độ, bạn có cần phải điều chỉnh gì không, có thể bạn cần phải tinh chỉnh và tập trung sức lực của bạn vào 1 mục tiêu quan trọng nhất mà thôi?
Tóm lại, mục tiêu không chỉ được lập ra một lần mà bạn hoàn toàn có thể thay đổi nó để phù hợp với cuộc sống của mình. Mỗi một mục tiêu như một nhánh nhỏ trong dự án thành Rome của bạn vậy, bạn là người quản lý dự án đó, nhưng cũng chính bạn là người thực hiện, chỉ có bạn mới biết làm như thế nào là phù hợp nhất cho mình.
7. Nghĩ ít lại, làm nhiều hơn
Có mục tiêu tốt rồi mà không thực sự bắt tay vào làm thì có cũng như không, nên việc quan trọng nữa vẫn là phải thực hiện. Sau khi đã có được những SMART goal rồi thì chúng ta lên một kế hoạch thực hiện và tuân theo nó một cách sát nhất có thể. Cho bản thân được phép hài lòng và vui với những tiến bộ dù nhỏ nhất mà bạn đạt được. Đó là cách bạn cảm ơn chính mình vì đã luôn có mặt và có trách nhiệm với mục tiêu của bạn.
Và cuối cùng, đừng quá áp lực, có thể sẽ có rất nhiều yếu tố khiến cho mục tiêu của bạn không hoặc chưa được hoàn thành theo ý muốn. Việc bạn có một hệ thống mục tiêu thông minh và đang lên kế hoạch thực hiện nó, mình cho rằng đó đã là phần lớn của sự thành công rồi, cho dù nó là mục tiêu nào đi nữa. Hãy cứ trọn vẹn hưởng thụ cuộc hành trình và trải nghiệm, nhỡ đâu sau này nếu bức tranh của bạn không trở thành “thành Rome”, thì mình chắc chắn rằng nó cũng trở thành một cái trị trấn, làng mạc trù phú và tươi đẹp nào đó vì những trải nghiệm mà bạn đã trải qua để đạt được mục tiêu ấy.
Trang blog được thành lập và quản lý chỉ bởi một người (chính mình). Nếu bạn thích bài viết này hoặc muốn ủng hộ blog của mình, cách tốt nhất là kể về nó hoặc chia sẻ với bạn bè hay những người xung quanh mà bạn cho là bài viết này có thể hữu ích cho họ. Cheers 😉
2 Comments
Chiến lược 2 danh sách của Warren Buffett - Quynh's Musing · April 28, 2022 at 6:23 am
[…] đã nhắc trong bài viết về cách đặt mục tiêu thông minh, Warrent Buffet có một chiến lược làm chủ năng suất và sự tập trung gồm 3 […]
Làm chủ năng suất với ma trận Eisenhower - Quynh's Musing · April 28, 2022 at 6:23 am
[…] nhất. Đây cũng là chiến lược hữu ích khi bạn muốn tinh giản danh sách những mục tiêu thông minh của […]
Comments are closed.