“Deal lương for dummies”
là chuỗi gồm 3 bài nói về những kinh nghiệm mình gặt hái được sau những lần đi deal lương thành công và “không thành công” (mặc dù nói là không thành công nhưng nó vẫn là thành công vì đã cho mình những bài học này 👻)
Phần 1: Nhập môn deal lương (xem lại ở đây)
Phần 2: Giữa đường không đứt gánh (xem lại ở đây)
Phần 3: Deal lại khi nhận offer rồi (là phần này)
Disclaimer: mình hổng làm HR hay recruiter nên những kinh nghiệm của mình sẽ là thu thập được dưới con mắt của người đi deal và bên kia bàn đàm phán của mình là bên tuyển dụng, HR hay hiring manager nhé. Network của mình nhiều người làm về ngành này, rất mong anh chị bạn nào có chuyên môn hãy validate những nhận định này của mình và chia sẻ xem những điều mình nhận ra này có hợp lý không với ạ. Tất nhiên những điểm này chỉ là ý kiến cá nhân, các bạn đọc xem cho vui. Cũng không cần phải tranh luận quá nhiều xem nó có đúng trong mọi trường hợp, ngành nghề và mức độ seniority của công việc đâu nhé.
Phần 3: End game – Deal lại khi nhận offer rồi
Nếu các bạn đã từng ở trong hoàn cảnh này, khi bạn đã nhận offer rồi mới phát hiện ra chúng ta đã chấp nhận một cái giá khá hời (cho đối phương): Câu hỏi đầu tiên chắc các bạn cần đặt ra cho bản thân là trong trường hợp nào thì chúng ta nên cố gắng đàm phán lại? Deal lại khi bị hớ có thực sự nên hay không?
Giả dụ: bạn nghe ở đâu đó rằng nhân viên cũ làm ở đây có một mức lương cao hơn từ 5 tới 10%, thậm chí 20%, vậy là bạn thấy tức tối, vậy là bạn thấy bản thân đang bị “bán” đi một cách rẻ rúng, bạn muốn năm ăn năm thua. Hoặc giả dụ: chính bạn là người đã có một mức kì vọng thấp ngay từ đầu và tự bạn đưa mình vào thế yếu do còn thiếu kinh nghiệm trong việc deal lương.
Câu trả lời phụ thuộc vào việc bạn cần đánh giá cả một cơ hội việc làm đó như là một holistic package như thế nào – chứ không chỉ có mỗi giá trị về tiền mặt.
Bản chất của việc đàm phán lương đó là hai bên thực sự đang cùng một chiến tuyến. Hai bên đều muốn kết cục có lợi cho cả đôi – Bạn không muốn bị nhận mức đãi ngộ quá thấp và họ không muốn trả quá cao.
Vậy nên xem cả cái whole package của công việc đó đối với bạn có giá trị như thế nào. Mình dùng từ “whole package” vì không chỉ có gói phúc lợi và lương thưởng là yếu tố quyết định. Có nhiều người sẽ thấy việc được làm gần nhà là quan trọng, có nhiều người sẽ thích cơ hội được đi đây đi đó vì công việc. Có những người lại thích sự flexible khi được làm việc từ xa, có người quan trọng ngày nghỉ, có người quan trọng việc sẽ học được từ những mentor giỏi giang v.v… Tức là, bạn chỉ thực sự bị “hớ” nếu cả cái package công việc bao gồm cả lương, không thực sự match với những gì bạn mong muốn. Nếu là trường hợp như vậy thì bạn nên deal lại. Còn nếu phần giá trị tiền mặt có hơi không đúng với mong đợi của bạn nhưng những yếu tố khác lại tuyệt vời, thì hãy cân nhắc xin lên lương sau quá trình bạn đã nhận việc rồi và chứng minh khả năng của mình.
Khi đã quyết định muốn đàm phán lại ngay từ đầu thì mình có một vài tip như sau theo kinh nghiệm của mình:
FRAMING CUỘC NÓI CHUYỆN
Đi đàm phán có tâm
Tức là, với những offer mà bạn không thực sự thích hoặc vẫn nhận vì ví dụ, muốn có một quân bài chắc ăn trong tay, xong sau đó lại thấy mình bị hớ và muốn deal lại để thực tập việc đàm phán, thì mình nghĩ là không nên. Vì khi đàm phán lại, cả hai bên đều phải bỏ rất nhiều thời gian tâm huyết vào đó. Nếu bạn không bắt đầu việc đàm phán với một tâm lý và ý nguyện muốn deal lại lương để đi đến một hợp đồng làm việc, thì kết quả sẽ rất hời hợt và gây phản cảm cho người tuyển dụng. Rất có thể bạn sẽ gặp lại hoặc phải làm việc với họ trong tương lai, vậy nên hãy chỉ ngồi xuống deal khi bạn thực sự muốn “make it work”. Nếu như hai bên tiến tới được một offer mới thì bạn sẽ chấp nhận nó mà không ngó nghiêng ở nơi nào khác.
Bắt đầu với một tâm lý hợp tác và biết ơn
Chính vì có tâm lý make-it-work và thực sự coi đối phương và mình đang làm việc vì lợi ích chung, khi mở đầu câu chuyện mình sẽ bắt đầu với việc nói rõ mục tiêu của mình:
“Tôi thực sự rất trân trọng cơ hội này và cảm kích vì bạn nghĩ tôi là ứng viên phù hợp nhất…”
“Tôi thực sự rất muốn nhận offer này/ làm việc ở đây…”
“Sau khi đã suy nghĩ thấu đáo thì…” / “Upon reflection.”
“Tôi biết mình đã nhận lời với offer này rồi, nhưng có vẻ tôi quá vui mừng vì nghĩ tới việc sắp được làm ở [công ty của bạn] nên tôi chưa thực sự suy nghĩ thấu đáo. Vì vậy tôi sẽ rất cảm kích nếu chúng ta có thể xem xét lại một số điều trong offer như sau….”
Việc bạn bắt đầu cuộc đàm phán với một sự khiêm nhường nhất định cũng như một tâm lý hợp tác sẽ gây thiện cảm và xoa dịu đối phương ngay lập tức để sau đó bạn đưa ra những lý do khiến bạn muốn xem xét lại offer của họ.
TRONG CUỘC NÓI CHUYỆN
Dùng những lý lẽ, bằng chứng, rationale mà bạn đã thu thập được (đề cập trong các phần trước) để chứng tỏ rằng, mình xứng đáng hơn thế.
Sử dụng những đòn bẩy là những offer hay những cuộc phỏng vấn khác
Đề cập tới những đối thủ cạnh tranh khác một cách trung lập và khách quan luôn là một vũ khí khiến bạn có lợi thế.
“Tôi biết mình đã đưa ra mức lương mong muốn là XXX rồi, nhưng sau khi nói chuyện với một vài nhà tuyển dụng khác và biết rõ được giá trị mà mình có thể mang lại, tôi nghĩ là tôi nên nhắm tới mức lương là YYY…”
“Sau khi nói chuyện với một vài nhà tuyển dụng khác tôi thấy nhu cầu cho [skillset] của tôi là rất cao…”
Lập luận dựa trên nghiên cứu
“Nghiên cứu của tôi cho thấy là ngành này có mức lương trung bình là XXX, chưa tính thưởng và các phúc lợi, ngoài ra công ty cạnh tranh với bên bạn cũng có mức offer hơi cao hơn so với trung bình một chút là YYY. Vậy tôi muốn biết tại sao offer của bên bạn lại thấp hơn cả hai mức đó…bạn có thể giúp tôi hiểu rõ được không”
“Với profile và kinh nghiệm của tôi tôi chắc chắn là mình có những lợi thế hơn nhiều so với những ứng viên khác cho vị trí này, vì….”
Sẵn sàng lắng nghe lý lẽ của đối phương
“Có cách nào để cả hai chúng ta đến gần hơn với con số/ mục tiêu mà mình mong muốn không?”
Sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu trung lập nhất để cho họ thấy bạn đã suy tính kỹ càng chứ không phải vì tức giận khi bị hớ hay hiếu thắng. Chỉ sử dụng những lý do mà bạn có thể back-up được một cách khách quan, tuyệt đối không nhắc tới việc “vì công ty đã từng trả như vậy cho một người khác”. Nhấn mạnh quan điểm của bạn là làm thế nào để sự hợp tác này có thể thành công, vì rất có thể bạn sẽ phải thỏa hiệp về mặt tiền bạc, để có được những lợi ích khác trong cả một package đó.
Sử dụng một con số cụ thể
Ngay cả ở những phần trước mình cũng đã chia sẻ, mình không thích sử dụng một range/ khoảng cho mức lương kì vọng vì tất nhiên là ở một số công ty họ luôn có một dải lương cho từng vị trí rồi. Quan trọng chỉ là mong muốn của bạn rơi vào điểm nào thôi.
Việc đi đàm phán lại offer mà lại đưa cho bên đối phương một dải lương nữa (ví dụ: khoảng từ 70-75K) chỉ giúp cho họ có thêm cớ để luôn sử dụng mức thấp nhất. Và nếu bạn đã biết mức thấp nhất mình thực sự mong muốn rồi, thì tại sao lại không sử dụng nó luôn?
Sau một vài lần sử dụng một con số cụ thể (ví dụ: 75,540$) khi đi deal lương thì mình thấy acceptance rate có vẻ cao hơn vì nhà tuyển dụng nghĩ là mình đã nghiên cứu một cách rất kĩ càng, hơn nữa là vì mình là người biết chính xác mình muốn gì – cũng ngầm cho họ biết là mình có một lập trường rất kiên định, họ có thể đàm phán nhưng nó phải gần với mức mình mong muốn. Con số cụ thể này nên xác định như thế nào thì bạn có thể xem lại phần 1 – Nhập môn.
Biết đủ
Mình từng nghĩ nếu chúng ta đã biết dải lương của vị trí đó thì ta phải cố tới cho bằng được mức cao nhất chứ, vì mình xứng đáng mà, hoặc là đơn giản vì trong mỗi chúng ta luôn có lòng tham, ai cũng muốn đạt được những gì tốt nhất.
Nhưng thực ra không phải lúc nào việc kì kèo cho tới những đồng cuối cùng hay tới mức cao nhất cũng là tốt. Đi cùng với giá trị luôn là trách nhiệm. Kể cả nếu đối phương có đồng ý với bạn về sau, thì tâm lý của họ cũng sẽ là – À vậy thì ta sẽ phải sử dụng nhân lực này sao cho xứng đáng với đồng tiền bát gạo của ta. Bạn sẽ trở thành người bị soi nhất team, bạn sẽ ít có cơ hội để mắc lỗi lầm và học hỏi từ những lỗi sai của mình. Lúc nào bạn cũng sẽ phải chứng minh cho sự xứng đáng của mình.
Vì vậy mình sẽ khuyên bạn luôn ở trong tâm lý sẵn sàng thỏa hiệp để hai bên đều đạt được lợi ích – nếu bạn thực sự muốn chấp nhận công việc đó.
Giữ quan hệ tốt nếu đàm phán không thuận lợi
Và cuối cùng vẫn lại là bài học hãy chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, nếu cả hai bên không đạt được thỏa thuận lại thì bạn sẽ nói không, hay sẽ vẫn chấp nhận offer này?
Nếu chấp nhận, thì nên chí ít đàm phán được một lộ trình tăng lương. Cách đề cập tăng lương với sếp mình có đề cập tới ở phần 2 của series. Còn nếu nói không, thì vẫn cần cảm ơn họ vì đã cho chúng ta cơ hội và rất trân trọng nếu trong tương lai có cơ hội được hợp tác với họ.
HẾT.
Chúc các bạn thành công trong trò chơi Lương Bổng này và nếu có ai áp dụng một vài tip ở đây trong lần deal lương tới mà gặt hái được thành công hay bài học nào thêm thì hãy cho mình feedback nhé.
Trang blog được thành lập và quản lý chỉ bởi một người (chính mình). Nếu bạn thích bài viết này hoặc muốn ủng hộ blog của mình, cách tốt nhất là kể về nó hoặc chia sẻ với bạn bè hay những người xung quanh mà bạn cho là bài viết này có thể hữu ích cho họ. Cheers 😉
2 Comments
Mini Series: Kỹ năng đàm phán lương - Quynh's Musing · August 7, 2022 at 5:15 am
[…] Phần 3: Deal lại sau khi nhận offer rồi […]
Kỹ năng đàm phán lương (2) - Quynh's Musing · August 7, 2022 at 5:16 am
[…] Phần 3: Deal lại khi nhận offer rồi […]
Comments are closed.