Đâu đó có người từng nói:

“Mỗi người chúng ta khi sinh ra đời đã có hai tai, hai mắt và một cái miệng. Hãy luôn nhớ tỉ lệ này trong đầu.”

Có nhiều tai và nhiều mắt hơn để làm gì, để nhìn nhận và lắng nghe nhiều hơn là nói.

Bạn có để ý trong tiếng anh từ “listen” và từ “silent” có cùng một số ký tự không. Lắng nghe cũng chính là im lặng. Im lặng và “lắng” thì mới nghe và thấu hiểu được nhiều hơn.

Một trong những kỹ năng giao tiếp quan trọng khi muốn quản lý và lãnh đạo tốt (cả cuộc sống riêng cũng như đội nhóm) là biết lắng nghe. Khi mà ai cũng muốn xây dựng thương hiệu, hình ảnh và một bản sắc riêng, ai cũng tập trung vào việc “show and tell” những gì mà họ có, thì biết cách lắng nghe hiệu quả có một tầm quan trọng và sức mạnh tiềm tàng hơn nữa.

Những mức độ lắng nghe khác nhau

Có 5 mức độ khác nhau:

1. Ignore – Nghe nhưng phớt lờ, không chấp nhận hay giả bộ không biết

Đây là mức độ thấp nhất. Tức là bạn không thèm cố gắng tí tẹo gì trong việc lắng nghe. Có thể nói là như nước đổ lá khoai, nghe rồi để đấy, nghe tai nọ ra tai kia. Việc này xảy ra khi mà bạn đang không coi chủ thể được lắng nghe quan trọng hơn những gì bạn đang làm hay những suy nghĩ đang vẩn vơ trong đầu.

Đã bao nhiêu lần vợ, chồng hay bố, mẹ, con cái bạn phải hét vào tai bạn mấy lần để lấy được sự chú ý và tập trung của bạn? 

Lắng nghe như vậy là mức độ không hiệu quả nhất. Nếu trong một ngày số lần bạn lắng nghe kiểu như này xảy ra khá thường xuyên thì nên xem lại, đây có thể trở thành điểm yếu khiến bạn không đạt được hạnh phúc trong cuộc sống hay tiến xa thêm được trên công việc.

2. Pretend – Nghe giả vờ

Bạn có thể gật gù, đôi khi bạn thêm vào một hai câu à ờ trong cuộc nói chuyện. Hoặc dùng cả ngôn ngữ cơ thể để tỏ ra là mình đang lắng nghe. Nhưng nếu bạn không cẩn thận, có thể bạn đang nghe người khác nói một cách giả trân.

Giả vờ vỗ về hay khuyến khích người đang nói, cho người ta cảm giác như mình đang nghe là mức độ tiếp theo. Ít nhất ở mức độ này bạn có bỏ ra chút ít cố gắng trong việc tỏ ra là đang nghe, nhưng tới khi cuộc nói chuyện trở nên sâu sắc hơn và khi người bên kia hỏi bạn một câu hỏi gì liên quan tới nội dung. Là lúc đó bạn tắc tị, hay phải bẽn lẽn hỏi lại “ý mày là gì cơ?”.

Tác hại của việc giả trân là khi đó bạn đã đánh mất đi cơ hội xây dựng một sự kết nối có ý nghĩa, người bên kia nếu sau nhiều lần gặp phải trường hợp tương tự sẽ mất lòng tin vào bạn. Kết quả là gì? Tất nhiên từ sau họ sẽ không đi tìm bạn để giãi bày nữa và bạn đánh mất đi một cơ hội hay thậm chí một mối quan hệ quý giá. Theo mình nghĩ việc này còn độc hại hơn là mức độ 1.

3. Selective – Nghe một cách có chọn lọc

Ở mức độ này người lắng nghe ít nhất là đã có bước chuyển biến đúng đắn, dành một chút tâm vào nội dung cuộc nói chuyện. Điểm yếu của cách lắng nghe này là bạn thiếu sự kiên nhẫn, hay chỉ quan tâm tới một số điểm nhất định. Đã bao nhiêu lần bạn phản ứng lại như là “nói ngắn gọn đi, ý mày là gì?” hay nghĩ trong đầu “ước gì mình có nút tua như khi xem youtube”.

Nếu bạn chỉ nghe một số phần hay đoạn mà bạn quan tâm, sự hiểu lầm hay miscommunication có thể xảy ra khi người bên kia hỏi lại bạn về một điểm nào đó khác hay bạn phải có một follow-up action nào đó. Ở mức độ này, việc lắng nghe vẫn chưa được đánh giá là hiệu quả.

4. Attentive – Nghe một cách chú tâm

Như tên gọi của mức độ này, bạn thực sự dành sự tập trung cũng như dùng cả ngôn ngữ cơ thể thể hiện sự nghe của mình.

Để sử dụng mức độ này, bạn cần phải xác định trước hết bạn có thực sự muốn nghe hay không. Người ta cứ tưởng nghe là một việc bị động, nhưng không, nghe cũng là một kỹ năng mà bạn có thể chủ động “bật lên” và sử dụng nó một cách hữu ích. Khi lắng nghe một cách chú tâm, bạn dành cho người bên kia hoàn toàn 100% thời gian và công sức của bạn, chỉ có điều, bạn chỉ nghe thôi và không đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương.

5. Empathic – Nghe để thấu hiểu, thấu cảm

Đây là mức độ cao nhất, mức độ cuối cùng, muốn nghe để thấu hiểu thì cũng phải có cả nghe một cách chú tâm.

Khi thực sự lắng nghe thấu cảm, bạn không chỉ dành cho đối phương sự quan tâm, thời gian, mà còn đặt mình vào hoàn cảnh của họ để cố gắng hiểu được không chỉ từ ngữ mà còn cả ý của họ. Bạn lúc này không chỉ nghe bằng tai mà còn dùng cả những giác quan khác. Dùng mắt để nhìn cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể, để cảm nhận những gì mà từ ngữ của họ chưa nói ra được. Dùng tâm để quan sát họ đang cảm thấy gì và họ muốn mình cảm thấy gì.

Đây là mức độ hiệu quả nhất. Từ mức độ 1 tới 4 – bạn vẫn chỉ sử dụng khung tham chiếu của chính mình, chỉ có ở mức độ này, bạn mới dùng tới khung tham chiếu của người nói, đặt mình vào vị trí của họ. Lúc này bạn có thể cho ra những phản ứng, phản hồi thích hợp nhất trong hoàn cảnh và cho đối phương, đạt tới mục tiêu chí tôn của việc giao tiếp giữa hai bên.

Luyện tập để lắng nghe hiệu quả

Người biết lắng nghe tốt không chỉ là nghe mà không cắt lời người nói, mà còn là biết “nghe” cả những ngôn ngữ và ý niệm được truyền đạt không bằng lời nói, nhận biết thông qua cử chỉ, hành động, cảm xúc của người đối diện và thực sự thấu cảm với người đang nói. Một số điểm bạn có thể lưu ý để luyện tập khi đang nghe người khác nói:

  • Bắt đầu với một ý định thực sự – muốn trở thành người lắng nghe tốt hơn
  • Tự hỏi bản thân mình: những gì mình đã đã biết, mình học được bằng cách nào? Do biết lắng nghe hay do thao thao bất tuyệt?
  • Nghe người kia nói như là lần đầu tiên bạn mới gặp họ
  • Sử dụng cả cơ thể để “nghe”
    • Mắt: nhìn thẳng vào người đối diện
    • Tai: sẵn sàng nghe người kia nói
    • Miệng: im lặng, có thể tỏ thiện ý, nhưng đừng gây ra tiếng động nhiều khi người khác đang nói
    • Tay: để nguyên một chỗ, trong túi quần, trong lòng hay thả lỏng ra hai bên
    • Chân: yên tĩnh ở trên sàn, không rung chân hay tạo ra tiếng động làm xao nhãng
    • Cơ thể, bờ vai: hướng về người đối diện
    • Trí óc: nghĩ về những gì đang được truyền đạt
    • Tâm: trọn vẹn quan tâm tới người đối diện và cuộc trò chuyện
  • Đừng giả định – hãy hỏi để làm rõ, thăm dò
  • Tưởng tượng người đối diện đang có cảm xúc gì
  • Tìm một thứ gì đó bạn thích về người đối diện, nếu một lúc nào đó bạn có cảm giác như mình đang đánh giá họ trước khi nghe hết, hãy quay lại với điểm bạn thích này để lưu tâm
  • Thi thoảng có thể đổi vị trí, phá vỡ trật tự nếu cảm thấy mình đang xao nhãng
  • Chỉ nghe mà không có “vũ khí” gì hết
    • Lắng nghe cho tới khi bạn thực sự “thấy” và “thấu”, “hiểu”
    • Cố gắng cảm nhận và tưởng tượng những gì bên đối diện đang trải qua
  • Khi lắng nghe, hãy kiểm tra xem những kết luận của mình được tạo ra dựa trên sự thực, dữ liệu (facts) và những gì đang xảy ra hay là qua những bộ lọc của những thành kiến, định kiến hay những ký ức trong quá khứ
  • Đừng ngắt lời, hãy nghe tới tận cùng, ngay cả khi bạn nghĩ bạn biết người kia sẽ nói gì
  • Luôn sử dụng các câu hỏi tiếp theo để đi đến cùng sự thật, đừng cho rằng họ sẽ nói ra hết tất cả ngay trong một lần
Nghe bằng cả cơ thể

Bạn đã thử theo dõi mình trong vòng một ngày chưa, bạn đang sử dụng mức độ nào của việc nghe?

Nếu có thể được, nên luyện tập để đạt được kỹ năng nghe thấu cảm ở mọi trường hợp, nhưng nếu không được thì chí ít chúng ta cũng nên lắng nghe một cách chú tâm.

Thông tin không chỉ được truyền đạt qua lời nói, khi biết lắng nghe đúng cách, bạn sẽ không chỉ nghe, mà còn thấy và hiểu được nhiều điều có ích cho bạn nữa. Quan trọng hơn hết người được lắng nghe sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và coi trọng khi bạn thực sự dành cả thời gian, tâm trí, và kể cả cơ thể của mình cho họ.

Tham khảo: whole body listening

Trang blog được thành lập và quản lý chỉ bởi một người (chính mình). Nếu bạn thích bài viết này hoặc muốn ủng hộ blog của mình, cách tốt nhất là kể về nó hoặc chia sẻ với bạn bè hay những người xung quanh mà bạn cho là bài viết này có thể hữu ích cho họ. Cheers 😉