I quit.
Không phải tự nhiên mà hiện tượng “the great resignation”, “quiet quitting” hay còn gọi là nghỉ việc một cách thầm lặng đã trở thành một megatrend trên thị trường lao động trong thời gian vừa qua. Cũng không phải tự nhiên mà những từ khoá như tìm về với đời sống tâm linh, lối sống khoẻ mạnh, chữa lành v.v… đang ngày càng thống trị trên mạng xã hội, tin tức và trong đời sống của mọi người. Khi mà văn hoá đời sống và làm việc đã coi việc không ngừng phấn đấu để đạt được những thành công ngày một to lớn hơn đã trở thành kim chỉ nam cho những người trẻ, việc từ bỏ – “give up” trở thành một điều gì đó không được coi trọng trong tiềm thức của mọi người.
Chúng ta thấy được tư tưởng thành công và chiến thắng là trên hết ở trong những câu nói như “Never give up!”, “Winners never quit and quitters never win”, ở trong văn hoá phim ảnh và cả trong đời sống hàng ngày với những câu chuyện tập trung vào ý chí phấn đấu, vào việc tranh giành hơn thua, không từ bỏ… Tuy nhiên, sự từ bỏ đôi khi cũng có sức mạnh riêng của nó, và người thông minh là người có thể dựa trên dữ liệu và thông tin để đưa ra quyết định phù hợp nhất cho mình.
- Người bác sĩ khi không thể nào cứu sống bệnh nhân được nữa thì anh ta từ bỏ sự cố gắng đối với bệnh nhân này, để mang sức lực và cố gắng của mình tới với bệnh nhân khác.
- Vận động viên khi thấy mình không thể thi đấu thêm và có nguy cơ bị chấn thương, thì từ bỏ thi đấu để bảo toàn cơ thể và sức khoẻ của mình.
- Đơn giản hơn, khi chúng ta đã ăn no mà nồi chỉ còn thừa một chút thức ăn nhưng không thể cố được nữa, thì chúng ta cũng ngừng việc ăn, để bảo vệ cơ thể của chính mình.
Từ bỏ khi đặt trong sự đối chiếu với sự cố gắng, kiên trì, bền bỉ thường hay mang một nét ý nghĩa tiêu cực. Nhưng thực ra trong đời sống thường nhật của chúng ta, việc từ bỏ xảy ra rất thường xuyên và nhiều khi chứa đựng sau nó một ý định tích cực hơn chúng ta nghĩ.
Trong cuốn sách Quit: The Power of Knowing When to Walk Away, tác giả Annie Duke cho chúng ta thấy rất nhiều những thông tin hữu ích về sự từ bỏ và lợi ích của nó.
Sự từ bỏ có ích cho cuộc sống của bạn như thế nào?
Tất cả mọi quyết định trong cuộc sống của con người, dù là nhỏ nhất, đều là sự thử nghiệm. Khi quyết định chọn A, bạn đã loại bỏ B. Vậy thì việc từ bỏ có ý nghĩa là khi bạn nhận ra phương án đó không phù hợp với mình sau khi đã thử nghiệm nó. Bạn có thể nhanh chóng rút ra được một bài học kinh nghiệm và quay trở về với mục tiêu mà bạn đặt ra và bước tiếp.
Ngoài ra, thành quả của mọi lựa chọn không chỉ dựa vào những thông tin và dữ liệu mà bạn có được, đôi khi chúng dựa vào những thứ hoàn toàn chỉ là may mắn (thường được gọi là “nhân duyên”) hoặc có những thông tin và dữ liệu không nằm trong sự kiểm soát của bạn. Ví dụ như khi bạn đang lái xe trên đường, bạn có thể biết được điều gì đang xảy ra với mình, nhưng liệu người ở làn bên kia sẽ xử lý thế nào thì bạn không thể kiểm soát được. Điều này cũng tương tự khi bạn mới nhận một công việc mới. Có thể sẽ có những yếu tố khác xảy ra khiến cho công việc này không hoàn toàn phù hợp với bạn. Nhưng chỉ khi lựa chọn rồi và quyết định rồi, bạn mới có thêm thông tin và dữ liệu để hoàn toàn đánh giá lựa chọn ấy.
Khi nào thì nên từ bỏ?
Nếu như trong bạn đang có suy nghĩ “Liệu mình có nên từ bỏ không nhỉ?” hay “Liệu mình có nên nghỉ việc không đây?”, thì có thể, bạn đã đi qua thời điểm chính xác mà bạn nên từ bỏ rồi.
Con người là loài động vật cực kì cảm tính và mọi việc xảy ra trong cuộc sống cũng không hoàn toàn chính xác như một phương trình, vậy nên khả năng đánh giá của chúng ta thường cũng như vậy. Rất khó để biết chính xác tại thời điểm nào bạn nên từ bỏ một thứ gì đó. Nếu cuộc sống dễ dàng như một bài toán thì bạn đã có thể tính toán hết mọi “expected values” hay outcomes của mọi phương án và chọn cho mình một phương án đúng nhất rồi. Tuy nhiên, việc dự đoán kết quả của mỗi sự lựa chọn cũng là rất khó vì tất cả đều dựa trên những phán đoán và giả định về tương lai. Vậy nên tác giả Annie Duke có ý kiến cho rằng:
Nếu như bạn đang nghĩ về việc từ bỏ thì có lẽ đã tới lúc bạn phải từ bỏ (việc gì bạn đang làm hay nghĩ tới) rồi.
Quit: The Power of knowing when to walk away (Annie Duke)
Từ bỏ mang lại nhiều hạnh phúc hơn
Trong cuốn Freakonomics của tác giả Steven Levitt, ông kể về một nghiên cứu khá thú vị.
Levitt đã lập nên một website chuyên dành cho những người đang gặp khó khăn trong việc quyết định phải từ bỏ hoặc là cố gắng tiếp tục một việc gì đó (thường là một quyết định lớn). Ví dụ như: tôi có nên chuyển nhà không, tôi có nên nghỉ việc không, tôi có nên từ bỏ mối quan hệ này không, v.v. Những ai tới trang web mà còn đang chần chừ 50-50 vì không biết phải chọn gì thì trang web này sẽ giúp họ tung đồng xu ảo để quyết định.
Việc tung đồng xu rõ ràng là có tỉ lệ 50-50 (50% cho mặt này và 50% cho ra mặt kia của đồng xu), vậy nên những người còn chần chừ với quyết định của mình cũng có 50% cơ hội chọn từ bỏ và 50% cơ hội chọn việc cố gắng tiếp tục. Vậy nên những người mang danh là đã “give up” hay từ bỏ một việc gì đó cũng nên phải có tỉ lệ 50-50 trong việc cảm thấy hạnh phúc và hài lòng như những người đã cố gắng để ở lại hay tiếp tục.
Sau 2 tháng và 6 tháng, giáo sư Levitt hỏi những người tham gia nghiên cứu này về mức độ hài lòng hay hạnh phúc của họ. Nghiên cứu của ông chỉ ra, số người chọn cách từ bỏ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn với quyết định từ bỏ (và tất nhiên là chất lượng cuộc sống của mình) so với nửa còn lại.
Tức là, khi mà bạn cảm thấy mình còn chần chừ 50-50 với hai phương án thì thật ra bạn đã đi quá mốc 50-50 đó rồi và việc từ bỏ mang lại hạnh phúc nhiều hơn đối với hầu hết chúng ta. Tuy nhiên để thực sự đưa ra được lựa chọn ấy, chúng ta cần nhiều dữ liệu hơn việc tính toán để cho ra được “expected value” của một quyết định nào đó hay chọn một thời điểm đúng đắn cho việc từ bỏ.
Cố gắng hoài cũng có thể là một tư tưởng độc hại
Ở một số nền văn hoá và xã hội, việc từ bỏ bị coi thường, bị cho là thiếu ý chí, không có sức bền bỉ. Chúng ta đề cao và tôn trọng sự cố gắng và nỗ lực, chúng ta không cho mình được phép từ bỏ vì như thế không phải là một đức tính “cao thượng”.
Tuy nhiên sự cố gắng và kiên trì chỉ có thể mang lại lợi ích cho bạn khi mà công sức bạn bỏ ra vẫn còn cảm thấy xứng đáng. Điều khác biệt ở đây là định nghĩa “xứng đáng” và cán cân nên hay không nên là do mỗi người chúng ta tự đề ra. Mỗi người có một mục tiêu và những giá trị khác nhau nên chỉ bạn mới biết, đến bao giờ thì công sức bạn bỏ ra không còn xứng đáng với những lợi ích và từng lựa chọn đem lại. Không nên cố gắng một cách độc hại chỉ để bảo vệ sĩ diện và hình ảnh của mình nếu như mục tiêu của bạn đã thay đổi hay bạn nhận ra có nhiều cách khác nhau để đạt được mục tiêu ấy.
Những cú lừa của tâm trí
Bạn đã bao giờ trải nghiệm hay nghe qua ý tưởng này chưa:
“Nếu muốn từ bỏ gì đó thì chọn lúc mình đang ở thế thắng cuộc.”
Ví dụ như, khi bạn đầu tư, giá cổ phiếu mà bạn đã mua đang tăng trưởng ở mức 10% – tức là bạn đang có lợi thế. Nhiều người trong chúng ta có thể sẽ muốn “cash out” ở mức này, nhưng thực ra việc bạn đang thắng thế ở thời điểm hiện tại không giúp cho bạn đưa ra quyết định có nên “hold” không hay nên “sell”. Việc giúp bạn quyết định phải là phán đoán của bạn về tương lai của cổ phiếu này, bạn có nhận định rằng hạng mục đầu tư này sẽ còn tăng trưởng nữa hay không.
Rất nhiều nghiên cứu và chứng minh khoa học đã chỉ ra những cú lừa của tâm trí, rằng khi đang “thắng thế”, người ra hay từ bỏ sớm hơn (vì tâm lý sợ rủi ro của số đông), còn khi đang ở thế “thua cuộc”, người ta thường hay níu kéo cơ hội đó và đưa ra quyết định từ bỏ muộn hơn (hiện tượng này gọi là “sunk cost fallacy” – bẫy chi phí chìm). Đó là lý do khi giá cổ phiếu giảm thì người ta có xu hướng ôm lỗ lâu hơn là khi giá cổ phiếu tăng. Hay khi một nhân viên đã dành rất nhiều thời gian cho công việc của mình, họ không muốn từ bỏ nó vì nghĩ nếu từ bỏ bây giờ thì đã phung phí quãng thời gian mình bỏ ra. Trên thực tế, ai trong chúng ta cũng có khả năng đánh giá xem công việc việc đó có thực sự đem lại lợi ích tương ưng với năng lượng và thời gian của mình hay không.
Kết
Trong cuộc sống có thể bạn sẽ nên phải từ bỏ nhiều thứ hơn mình tưởng. Việc từ bỏ không phải là một điều gì đáng xấu hổ hay đáng lên án trong một xã hội đang đề cao thành công, thành tựu, và sự cố gắng không ngừng nghỉ hơn là những người mang danh “quitter”. Để tránh khỏi những cú lừa của tâm trí và cảm thấy hạnh phúc hơn thì chúng ta nên xem lại những quyết định của mình dựa trên những dữ liệu và thông tin một cách khách quan.
- Nếu bạn đang có những quyết định lớn của một đời người, có thể nói chuyện hay tìm kiếm lời khuyên của bạn bè, gia đình, những người thầy xung quanh để tìm thêm dữ liệu.
- Dũng cảm đối mặt với những dữ liệu ấy, không tìm lý do để trốn tránh hay biện minh cho một điều gì đó đang không mang lại lợi ích của bạn
- Thử tĩnh lặng để lắng nghe người thầy bên trong của mình, nếu bạn đã tự hỏi bản thân mình có nên dừng lại ở đây hay không, có lẽ là bạn đã đi qua thời điểm tốt nhất để từ bỏ việc gì đó rồi. Thời điểm tốt tiếp theo thường là ngay bây giờ.
- Nên có kế hoạch và mục tiêu trong cuộc sống, nhưng cũng nên đặt ra điều kiện cho nó, ví dụ: “tôi sẽ cố gắng tới mức XYZ… và nếu tôi không đạt được những mục tiêu này, tôi sẽ xem lại kế hoạch của tôi để tìm những phương án khác có lợi hơn cho mình”
Và nếu bạn vẫn còn đang chần chừ, bạn cũng có thể tự tung đồng xu cho mình, hoặc tốt hơn, hãy cứ hành động thôi 😛- Đọc thêm nghiên cứu này để biết thêm chi tiết.
Trang blog được thành lập và quản lý chỉ bởi một người (chính mình). Nếu bạn thích bài viết này hoặc muốn ủng hộ blog của mình, cách tốt nhất là kể về nó hoặc chia sẻ với bạn bè hay những người xung quanh mà bạn cho là bài viết này có thể hữu ích cho họ. Cheers 😉