Những năm gần đây những từ khoá như phân tích dữ liệu, chuyên viên phân tích, big data, những nghề hot nhất trong 5 năm tới v.v… đã không còn xa lạ gì với giới trẻ. Một số người bạn mình cũng hay gửi cho mình các JD (mô tả nghề nghiệp) để nhờ giải thích xem công việc chính và những kĩ năng cần có trong nghề phân tích là gì.

Là người đã làm việc ở nhiều mảng trong ngành “phân tích”, từ dữ liệu cho tới kinh doanh và tạm gọi là có một độ hiểu biết nhất định về thị trường việc làm ở Đức và Việt Nam, mình tổng kết lại những gì mình hiểu về nghề này như sau nhé.

Analyst/ Chuyên viên phân tích

Tạm dịch: Chuyên viên phân tích – là cụm từ chung chỉ tất cả những nghề, vai trò, vị trí trong một tổ chức có liên quan với việc phân tích. Phân tích dữ liệu, phân tích kinh doanh, phân tích chiến lược, tất tần tật từ vi mô cho tới vĩ mô trong cấu trúc của một tổ chức. Điều hay của nghề này là bất kể tổ chức nào, dù lớn nay nhỏ, đều cần có nhân lực đóng vai trò đi phân tích.

Không phải tự nhiên mà khi gặp phải một vấn đề người ta có thể đi tới ngay giải pháp. Ngay cả khi bạn nghĩ khi nghe xong một vấn đề bạn sẽ đi ngay tới câu trả lời, thì vẫn có một bước “phân tích ở giữa”, dù bước đó có được làm bài bản tử tế trong một workshop, hay nó xảy ra quá nhanh trong đầu bạn vì những lối suy nghĩ tắt (mental and heuristic shortcuts) cho tới mức bạn không thể nhận ra một cách rõ rệt, thì thực tế bước phân tích vẫn xảy ra.

It doesn’t go like this:

But like this:

Data Analyst/ Chuyên viên phân tích dữ liệu (gọi tắt là DA)

Thường nếu là sinh viên mới ra trường thì đây sẽ là ngành nghề dễ bước vào nhất. Chuyên viên phân tích dữ liệu xuất hiện hầu hết trong các ngành có sử dụng dữ liệu trong những quyết định của họ: bán lẻ, may mặc, tài chính, truyền thông, bảo hiểm v.v.

Công việc của họ thường bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất như thu thập, trích xuất, tới lọc và làm sạch, tới phân tích dữ liệu tuỳ theo yêu cầu của các bên liên quan, thường là một phòng/ ban/ stakeholder nào đó trong công ty.

Ngoài những kĩ năng cứng như:

  • Biết cách sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu
  • Trích xuất, lọc, làm sạch và phân thích dữ liệu
  • Trình bày và trực quan hoá dữ liệu cũng như chuẩn bị báo cáo cho các bên liên quan sử dụng
  • Điểm qua một vài công cụ hay được nhắc tên: Power Query, SQL, R, Tableau, MS PowerBI v.v.

Thì một DA còn cần có kĩ năng truyền thông tốt. Họ không nhất thiết phải “sell” câu chuyện mà họ tìm ra trong dữ liệu của mình nhưng phải biết trình bày nó một cách trực quan và dễ hiểu nhất với người sử dụng.

Keyword của nghề này là: phân tích để đưa ra báo cáo, quyết định còn lại nằm trong tay của người sử dụng bảng báo cáo hay dashboard của họ.

Business Analyst/ Chuyên viên phân tích kinh doanh (gọi tắt là BA)

Cụm từ “business analyst” mà mọi người vẫn hay nhìn thấy trong các JD vẫn là một term rất rộng, không bị giới hạn bởi một lĩnh vực kinh doanh cụ thể, cũng không nhất thiết chỉ tập trung vào các giải pháp phần mềm. Nó gần như là một cụm những kĩ năng hơn là chỉ tập trung vào một vị trí hay vai trò trong tổ chức.

Vì vậy mình sẽ tách ra giải thích BA nói chung như một chuyên viên phân tích kinh doanh và một BA trong ngành công nghệ (hay còn gọi là Functional Analyst/ Functional Designer/ Functional Consultant, nói ở dưới).

Ở một số tổ chức nhỏ, người ta hay coi DA và BA là cùng một người hay một vai trò, nhưng bản chất hai vai trò này có những điểm khác nhau nhất định.

Thay vì anh DA là người chuẩn bị dữ liệu để bên khác sử dụng, anh BA là người sử dụng những dữ liệu đó để đưa ra các quyết định về kinh doanh, hoặc chí ít là đưa ra những gợi ý cho những người có thẩm quyền quyết định trong một tổ chức (decision maker) để đưa ra những quyết định có lợi hoặc hiệu quả hơn cho tổ chức.

Một BA có thể phân tích nhiều thứ chứ không chỉ dữ liệu, ví dụ như quy trình, từ vận hành (operation), tới chiến lược (strategy), tới kinh doanh (sales) của một công ty. Xét theo chiều dọc của nhiều ngành công nghiệp, BA có thể phân tích một số lĩnh vực thường xuyên như kế toán, thanh toán, mua sắm, chuỗi cung ứng, sản xuất và bán hàng và tiếp thị.

Ngoài những kĩ năng cứng như:

  • Phân tích và đánh giá quy trình về mặt hiệu quả, chi phí, độ sinh lời của nó
  • Tổng kết, đưa ra những gợi ý chiến lược để thay đổi hoặc tối ưu hoá các hoạt động của doanh nghiệp
  • Truyền thông những phân tích của mình một cách hiệu quả với các bên liên quan, thậm chí điều phối các bên liên quan để cho ra những quyết định phù hợp nhất

Thì một người muốn bước vào nghề BA cần kĩ năng phân tích và giải quyết vấn đề nhạy bén, yêu thích việc được thử thách với các vấn đề, có tầm nhìn chiến lược để đưa ra những gợi ý hay quyết định tốt nhất cho doanh nghiệp.

Keyword của nghề này là: sử dụng việc phân tích (từ dữ liệu và thông tin) để đề xuất cho ra quyết định

Functional Analyst/ Functional Designer/ Functional Consultant (gọi tắt là FA)

Vậy thì nhân vật còn lại, chuyên viên phân tích chức năng hay người thiết kế chức năng (thường hay gặp trong ngành phát triển phần mềm) là ai?

Người nắm vai trò này có trách nhiệm sắp xếp và liên kết những yêu cầu của khách hàng với một hệ thống hoặc giải pháp đã chọn, tìm ra cách tốt nhất để giải quyết những lỗ hổng giữa hệ thống hiện tại và hệ thống mục tiêu. Trong một số trường hợp, người phân tích chức năng còn giúp khách hàng tìm ra được những yêu cầu mà có thể họ chưa biết hoặc chưa nghĩ tới. Trong một số JD, nghề này được nhắc tới như là “Requirements engineer”.

Ngoài ra, trách nhiệm và vai trò của một FA còn bao gồm: thiết kế hệ thống (phần mềm), thiết kế và tạo ra những tài liệu kĩ thuật về chức năng sản phẩm để có thể chia sẻ và sử dụng trong toàn bộ tổ chức (bên lập trình và phát triển phần mềm (development) phụ thuộc hoàn toàn vào thiết kế của họ). Những thiết kế của họ thường được chứng minh hoặc xác nhận bằng cách thử nghiệm (testing).

Cả anh BA và FA đều cố gắng cải thiện các quy trình và hoạt động của công ty. Trọng tâm của các FA/ người đi phân tích chức năng là về công nghệ, trong khi các chuyên viên phân tích kinh doanh thường khám phá nhiều khía cạnh khác của một tổ chức. Mục tiêu của các BA là cải thiện năng suất kinh doanh và thiết lập các chương trình, quy trình mới. Mục tiêu của FA là thiết kế những sản phẩm (công nghệ) phù hợp nhất cho mục tiêu chung của tổ chức. Cả hai vai trò này đều nên nắm bắt và am hiểu các cơ hội và yêu cầu về mặt công nghệ của một tổ chức.

Trong nhiều trường hợp họ là những vai trò tách biệt nhau, nhưng đôi khi họ lại là cùng một người! (Đây cũng là một thử thách, vì nhiều khi lợi ích công nghệ của một công ty có thể mâu thuẫn với lợi ích của một bên nào khác).

Những kĩ năng cứng cần cho vai trò FA (ngoài những kĩ năng cho BA kể trên):

  • Am hiểu các phương thức về software engineering như các SDLC (software development lifecycle), ví dụ như: Waterfall, Agile, Iterative v.v.
  • Kiến thức chung về cơ sở dữ liệu, OOP (object oriented programming)
  • Các công cụ mô hình hoá, UML, BPMN, các công cụ thử nghiệm, bản đồ tư duy, các công cụ tạo mẫu (prototyping, wireframing)

Keyword của nghề này là: nghiên cứu và phân tích các hoạt động của hệ thống (phần mềm) để tìm ra lỗ hổng và đề xuất, thiết kế những hệ thống và quy trình (công nghệ) để việc vận hành của tổ chức hiệu quả hơn, lấp đầy những lỗ hổng đó

Bonus: Data Scientist/ Kỹ sư khoa học dữ liệu (gọi tắt là DS)

Nếu bạn đã bước vào nghề phân tích dữ liệu (DA) thì có thể bạn sẽ muốn hướng tới phát triển thành một kỹ sư khoa học dữ liệu. Có thể không phải DA nào cũng trở thành DS được nhưng để trở thành một DS, bạn cần có những kĩ năng của một DA trước.

Ngoài ra, một kỹ sư khoa học dữ liệu cần am hiểu về lập trình và có kiến thức sâu về computer science cũng như machine learning. Một trong những trách nhiệm của họ là dựa trên những phân tích dữ liệu sẵn có để xây dựng những mô hình dữ liệu mới, viết thuật toán để dự đoán những xu hướng của tương lai.

Nếu như anh DA thu thập những dữ liệu đã có để phân tích và cố gắng trả lời một câu hỏi dựa theo những dữ liệu đã xảy ra. Anh DS có thể tập trung huấn luyện “máy tính” tự học (machine learning) và cho ra những đề xuất về xu hướng, những gì chưa xảy ra, hỗ trợ tổ chức trong việc lên kế hoạch và đón đầu xu hướng, nắm bắt thời cơ.

Những kĩ năng chính trong nghề:

  • Ngoài những kĩ năng cho 1 DA kể trên, DS cần đào sâu tìm hiểu về lập trình, thuật toán, mô hình thống kê, Machine Learning
  • Điểm qua một vài công cụ/ kĩ năng/ ngôn ngữ lập trình cứng hay được nhắc tên: SAS, Python, R, Java, TensorFlow, Hadoop, Spark v.v.

Một điều quan trọng nữa, dù cho là một vai trò thiên rất nhiều về kĩ thuật, một DS cũng cần có kĩ năng mềm tốt đó là khả năng truyền đạt, truyền thông. Truyền thông tốt giúp họ nắm rõ vấn đề ngay từ bước đầu khi xác định mục tiêu cho những phân tích của họ, tránh phân tích lạc đề, cho tới lúc giải thích và truyền đạt mô hình của họ tới người sử dụng và các bên liên quan sao cho dễ hiểu và dễ sử dụng nhất.

Keyword của nghề này là: dùng dữ liệu quá khứ để xây dựng mô hình, đào tạo máy tính, cho ra những dự báo cho tương lai, giúp doanh nghiệp/ tổ chức đưa ra quyết định.

Tại sao chọn nghề này, ai phù hợp với nghề phân tích?

Nghề đi phân tích không phải lúc nào cũng thấy rõ trực tiếp được tầm ảnh hưởng của mình với mục tiêu cuối cùng của tổ chức (thường là về mặt tài chính), so với những bộ phận trực tiếp cho ra quyết định như sản phẩm, kinh doanh, marketing, cung ứng, mua sắm, tài chính. Nhưng nghề này có cái hay là có thể sử dụng kĩ năng của họ ở nhiều mảng, bộ phận theo chiều dọc của tổ chức nên tiềm năng của nghề là rất rộng.

Mức thu nhập và tiềm năng phát triển cao – bạn có thể tự tìm kiếm dữ liệu về mức thu nhập cho nghề đi phân tích ở một vài nguồn đáng tham khảo như:

Indeed (Mỹ)

Linkedin, Glassdoor (châu Âu)

Cục thống kê lao động (Mỹ)

Việt Nam: chưa tìm thấy nguồn nào đáng tin…. (ai biết có thể để lại comment để mình chỉnh sửa bài post được không nhỉ?)

Bạn có thể chọn nghề này nếu:

  • Bạn có thiên hướng tò mò và ham học hỏi
  • Bạn làm việc với tư duy phân tích và thiên về logic
  • Bạn yêu thích vấn đề và giải quyết vấn đề (nếu một bộ máy đang hoạt động trơn tru, bạn không có động lực để nhảy vào nhưng bạn thích nhất là “dẹp lửa” như mấy anh lính cứu hoả)
  • Bạn quan tâm tới chiến lược của tổ chức
  • Bạn đam mê những con số, dữ liệu, thống kê, mô hình
  • Bạn thích làm việc nhóm và trình bày ý tưởng một cách trơn tru, sinh động

Những gì mình chia sẻ dựa theo kinh nghiệm và nghiên cứu của bản thân, do chính mình đã từng là một DA, half a DS 😀 và hiện đang làm việc với vai trò là BA/ FA cho một tổ chức tư vấn công nghệ và phát triển phần mềm. Với những sự khác biệt kể trên, hi vọng bạn sẽ hiểu rõ hơn khác biệt của những mô tả nghề nghiệp trong nghề đi phân tích và tìm được định hướng phù hợp cho mình nhé.

Bạn có thể đọc phần tiếp theo ở đây.

Chúc các bạn một tuần mới thật tốt lành!


Trang blog được thành lập và quản lý chỉ bởi một người (chính mình). Nếu bạn thích bài viết này hoặc muốn ủng hộ blog của mình, cách tốt nhất là kể về nó hoặc chia sẻ với bạn bè hay những người xung quanh mà bạn cho là bài viết này có thể hữu ích cho họ. Cheers 😉


1 Comment

Tự học nghề phân tích - Quynh's Musing · March 14, 2022 at 6:12 am

[…] ngờ bài viết trước về nghề đi phân tích khi chia sẻ lên facebook được các bạn ủng hộ quá (mặc dù số lượng ghé thăm […]

Comments are closed.