Năm cuối đại học, tôi crush ghê gớm thầy giáo dạy môn bảo hiểm, tôi đã viết mail tỏ tình với thầy và nhận được sự từ chối rất ý nhị và lịch sự, kiểu như, em rất tốt nhưng anh rất tiếc, hãy làm bạn thôi em nhé.
Một năm sau thì thầy đi lấy vợ, tôi tiếc xót ruột một chàng trai Hải Phòng tài ba, phong nhã… Tuổi trẻ mà, không yêu thì thôi, tôi quay ra crush ghê gớm một anh thầy ngoại quốc khác, do đợt đó tôi đang ôn thi tiếng anh để chuẩn bị cho hồ sơ du học. Thầy hơn tôi gần hai chục tuổi, lần này tôi đã bạo dạn hơn, tỏ tình trực tiếp tại một quán cà phê…Người này cũng chẳng nể mặt thẳng thắn từ chối tôi với lý do “chúng ta quá khác biệt, em hãy tưởng tượng hai mươi năm nữa mà xem, khi thầy 60 còn em 40?”..)
Năm đầu tiên đại học, như bao thanh niên sáng sủa khác ở Ngoại thương, tôi hăm hở đi thi tuyển vào Aiesec (một tổ chức dành cho sinh viên rất uy tín mà nhiều người muốn tham gia). Vượt qua những vòng thi tuyển ngặt nghèo, tôi tới vòng phỏng vấn cá nhân và tại đây, feedback duy nhất tôi nhận được là “profile của bạn không phù hợp với định hướng của tổ chức”.
Một lần khác, lúc này, tôi đã sang Đức được đôi năm, tôi đi tuyển AC (Assessment Center) cho một công ty lớn ở Đức, vị trí khá oai, Trainee in Leadership – tức là vị trí được huấn luyện để trở thành lãnh đạo tương lai. Cũng sau vài vòng thi khá ấn tượng, tôi rớt ở vòng cuối cùng vì 1 trong 8 người phỏng vấn cho rằng “tôi không có đủ bussiness sense (năng lực kinh doanh) để làm lãnh đạo”.
Và còn rất nhiều những lần khác mà nếu viết ra chắc tôi sẽ khiến bạn ngủ gật rất ngon. Nên tôi sẽ vào chủ đề chính, tôi đã học được gì sau những lần cảm giác bị cuộc đời “vả” cho tơi tả này?
1. Từ chối không có nghĩa là lỗi ở bạn
Cũng như nhiều người khác, những lần đầu tiên bị từ chối cho một vị trí hay công việc nào đó, tôi thường cảm thấy tự ti kinh khủng, đi ra đường lúc nào cũng như có một đám mây đen ngay trên đỉnh đầu, tự hỏi, tại sao lại là mình?
Thực ra, câu hỏi cần đặt ra không phải “tại sao là mình”, mà là “tại sao lại không phải là mình?” Khi bạn đặt địa vị của mình vào người hoặc tổ chức đối diện, bạn ít nhất sẽ có những giả định về ứng viên mà họ muốn tuyển dụng, người bạn gái hay partner mà họ đang tìm kiếm.
Trong những mối quan hệ xã hội, công việc, keyword ở đây luôn là “sự phù hợp”, mỗi một tổ chức đều có những mục tiêu mà họ đề ra, việc họ lựa chọn bạn hay không, phụ thuộc vào rất nhiều việc họ đánh giá, hay tin tưởng, liệu bạn có đóng góp vào mục tiêu chung đó được hay không. Bị từ chối, hay được từ chối, không có nghĩa lỗi là ở riêng bạn, hay là vì bạn thua kém. Đơn giản vì đôi bên không hợp, vậy nên chúng ta hãy cứ mừng vì đã được từ chối, để có khả năng đến với những cơ hội khác phù hợp hơn.
Đương nhiên, trong một mối quan hệ tình cảm, nó cần nhiều hơn là việc bạn có đầy đủ những yếu tố trong checklist của họ, cái “tình” nó phải ở đó, không có nó thì những yếu tố kia cũng là vô nghĩa.
2. Thay đổi tư duy tiếp nhận đánh giá
Tôi đã từng gặp vấn đề với việc tiếp nhận những đánh giá mang tính phê bình, chỉ trích, nói rõ hơn là, tôi thường để những cảm xúc tiêu cực do bộ não tôi phát ra khi nghe những lời phê bình đó khiến cho tôi lún sâu vào vòng xoáy buồn chán, nản, lo sợ dẫn đến những việc tôi làm lại càng tệ hơn. Đặc biệt hơn, tôi chắc chắn có rất nhiều người có cùng thói quen giống như tôi đã từng, đó là ngay lập tức có những suy nghĩ biện minh cho việc mình làm và thậm chí cố gắng tranh luận với người cho đi đánh giá ngay tại thời điểm đó.
Khi tôi có nhiều kinh nghiệm hơn, có những người khác cần sự đánh giá của tôi, tôi bắt đầu nhìn những lời đánh giá đó qua lăng kính của người đối diện. Tôi nhận ra việc đánh giá là để làm cho hiện tại tốt lên, để người nhận có thể tiếp thu và thay đổi cách làm việc hay cách sống của mình.
Tất nhiên cách cho đi sự bình luận hay đánh giá rất quan trọng, nhưng nếu bạn là người được nhận đánh giá, trước hết hãy chỉ nghe và tiếp nhận nó, đừng biện minh, đừng cố gắng lý giải cho việc mình đi trễ hay việc báo cáo bạn nộp có những lỗi sai. Cuộc sống này là một sự phản chiếu, mọi việc bạn làm đều được tiếp nhận qua lăng kính của một sự vật sự việc hay một người nào khác. Bạn cần phải hiểu được cách nhìn của người khác về bạn là gì trước khi bạn có thể đưa ra một giải pháp cụ thể. Việc cố gắng phản biện ngay lúc nhận được đánh giá thường khiến cho người đối diện có cảm giác bạn sẽ không bao giờ chấp nhận cách người khác nhận xét về mình.
Hơn nữa, ngay lúc đó chúng ta thường đang phản ứng với một cái đầu nóng hơn là một cái đầu lạnh, cảm xúc tiêu cực sẽ dễ dàng xâm chiếm và điều khiển những việc chúng ta làm tiếp theo. Hãy kết thúc buổi nói chuyện, đi về nhà, nghĩ về nó vào một ngày chủ nhật rảnh rang, bạn sẽ thấy với tư duy “được đánh giá” để phát triển, bạn sẽ yêu thích việc nhận được phê bình như thế nào.
3. Chọn sếp (chứ không phải công việc)
Tôi hay nghe có câu do the work you love the most and you’ll never have to work (hãy làm việc mình yêu thích để mình không bao giờ “phải” làm việc). Đối với tôi, trong công việc, việc lựa chọn một vị trí, hay ngành nghề không chỉ phụ thuộc vào công việc đó mà còn phụ thuộc rất nhiều vào người thủ lĩnh đứng đầu tàu.
Trong những công việc mà tôi đã trải qua, có những việc mà tôi đã nghĩ là mình rất rất thích (làm marketing, thương hiệu, làm những việc liên quan tới creative), thì chính tại những công việc đó tôi lại không may trải nghiệm những ông chủ tồi. Một người lãnh đạo tốt sẽ không chỉ lo cho bottom line của công ty mà còn biết cách tạo động lực và tin tưởng bạn để đưa cho bạn những cơ hội phát triển tại lĩnh vực mà bạn làm tốt nhất.
Vậy nên, thật tiếc nếu bạn rơi vào trường hợp bạn rất thích công việc nhưng lại không thể nào chấp nhận nổi “ông chủ” của mình. Trong những tình huống này, hãy vui vẻ chấp nhận “sự từ chối” từ ông chủ cũ và đi tìm cho mình một mối lương duyên khác phù hợp hơn.
4. Chọn sự phát triển thay vì đồng lương
Nếu bạn đã tìm được một vài vị trí mà bạn cho là phù hợp, thì sao?
Tôi thấy xung quanh mình hiện tượng nhảy việc khá thường xuyên, một trong những lý do là sau khi bạn đã có kinh nghiệm rồi thì việc nhảy việc có thể là đòn bẩy giúp chúng ta đàm phán được mức lương/ phúc lợi cao hơn. Tuy nhiên, việc bạn có học hỏi được gì sau mỗi vị trí khác nhau hay không, thì tôi không chắc.
Sau một vài lần nhảy việc thành công, tôi cũng từng có ý định đó. Mỗi khi nghe thấy ai đó hãnh diện về mức thu nhập mới, tôi mừng cho họ. Tất nhiên, đâu đó tôi cũng có ý nghĩ so sánh, suy nghĩ, đắn đo, hoài nghi về công việc mình làm (trong những lúc u mê thi thoảng tôi cũng không trách được cái nghiệp tham, sân, si).
Tuy nhiên, bạn chỉ có thể thành công một cách bền lâu, nếu công việc của bạn là cái nôi để bạn học hỏi và phát triển. Đến một mức nào đó đồng lương chỉ có giá trị bề mặt, khi bạn không học thêm được gì nữa từ công việc mình đang làm, thì có lẽ công việc ấy cũng chỉ là cái cần câu cơm mà thôi.
Khi chọn lựa một công việc mới, tôi sẽ tập trung chú ý vào tiềm năng của nó, sự phát triển cá nhân của tôi khi lựa chọn công việc đó, thay vì chỉ tập trung vào mức lương. Một công ty có những chính sách đào tạo, phát triền nguồn năng lực tốt, theo tôi, sẽ tồn tại lâu dài hơn một công ty thu hút nhân tài bằng con số và sau đó vắt kiệt sức lao động của họ.
5. Đừng dừng lại (ít nhất là ngay lúc đó)
Có lẽ bài học này ứng nghiệm trong công việc đối với tôi nhiều hơn là trong chuyện tình cảm. Vâng, nếu bạn đã từng “được” từ chối như tôi trong hai lần tỏ tình nói trên thì rõ ràng là hãy dừng lại với cảm xúc của mình và đi tìm kiếm những mối lương duyên khác nha.
Trong công việc hay chuyện xã hội thì khác, khi ai đó từ chối tôi, tôi thường muốn tìm hiểu rõ lý do tại sao và muốn có được feedback của họ về mình.
Lúc mới ra trường, chuyện rải truyền đơn đi xin việc và nhận được đa số “rejections” là chuyện rất bình thường. Nhưng với những vị trí mà tôi thực sự yêu thích, tôi tìm cách để nắm được thông tin về nó nhiều nhất có thể, đặc biệt là thông tin về người tuyển dụng. Những thông tin này bạn có thể dễ dàng nắm được hiện nay qua social media hay còn gọi là mạng xã hội. Các công ty dạo này cũng rất hay đề tên người tuyển dụng hay người mà bạn có thể liên hệ bất cứ lúc nào nếu có thắc mắc.
Qua nhiều lần mặt dày, hỏi xin feedback và móc nối nhiều mối quan hệ trên LinkedIn thì sau cái lần bị đánh trượt vị trí Leadership Trainee kia, tôi được chị HR giới thiệu cho vào một chương trình Trainee khác, đại khái là cũng là chương trình dành cho người mới bắt đầu đi làm ở công ty đó. Sau này chị HR cũng có feedback cho tôi là không có nhiều người kiên trì như bạn đâu. Chị ấy dùng từ “persistence and perserverance”, nhưng tôi biết thừa chắc chị ý cũng có ý bảo tôi mặt dày đây.
Nói đùa vậy thôi, với nguyên lý này, sau những lần nhận được sự từ chối ngay từ lần thử đầu tiên, do tìm hiểu kĩ lý do và tạo dựng mối quan hệ (tốt) với nhà tuyển dụng, tôi đã kiếm được kha khá những cơ hội khác phù hợp với mình hơn.
6. Xem lại mục tiêu, tìm những lối đi mới
Tất nhiên, cũng có những trường hợp khi bị từ chối do không phù hợp, tôi không có động lực để hỏi tại sao.
Hồi đầu mới đi xin việc làm, tôi thường đi tìm một keyword rất rộng. Hay nói khác đi là cái gì đang tuyển thì tôi nộp, lúc đó thực sự là tôi chỉ cần một công việc để có thể duy trì thị thực của tôi tại đây. Sau rất nhiều lần không thành công thì tôi nhận ra, có thể mình đang phí hoài năng lượng cho việc đó.
Tôi bắt đầu sắp xếp lại mục tiêu của mình, tôi có thực sự đang tìm kiếm những gì tôi muốn hay không, tôi có biết giá trị của mình nằm ở đâu, tầm nhìn của tôi là gì không. Kể từ khi không rải truyền đơn nữa mà cô đọng cho mỗi hồ sơ xin việc, những sự từ chối tôi nhận được, cũng ít dần đi.
Khi cánh cửa này đóng lại, luôn có một cánh cửa khác mở ra. Câu nói này cũ mòn, nhưng nó luôn đúng. Vì vậy tôi nghĩ không nên coi rejection chỉ là rejection, hãy biến nó thành redirection, một hướng đi khác, phù hợp với chúng ta hơn.
7. Trân trọng những vết sẹo
Có vẻ bài này mang nặng tinh thần công việc quá, nên tôi muốn đúc kết lại gì đó thật chung cho mỗi lần tôi nhận được sự từ chối.
Chắc chắn sau mỗi một lần như vậy, bản ngã cũng như sự tự tin của ta sẽ bị ảnh hưởng đôi chút. Tôi từng giấu diếm những vết sẹo đó đi để nằm gặm nhấm một mình. Nhưng nếu bạn nâng niu những “thất bại” và cuộc hành trình đó, bạn sẽ thấy mình đã không lãng phí thời gian và cơ hội, vì bạn luôn học được một điều gì đó sau mỗi lần bị từ chối.
Hãy biết ơn vì những vết sẹo tâm hồn đã cho bạn một bài học quý giá. Một ngày nào đó, như tôi, bạn cũng sẽ (suýt) quên luôn hai anh thầy đẹp trai kia và hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình.
Trang blog được thành lập và quản lý chỉ bởi một người (chính mình). Nếu bạn thích bài viết này hoặc muốn ủng hộ blog của mình, cách tốt nhất là kể về nó hoặc chia sẻ nó với bạn bè hay những người xung quanh mà bạn cho là bài viết này có thể hữu ích cho họ. Cheers 😉