Hoa mọc lên sau đám cháy – David Wirzba

Trong bài chia sẻ về cách tự học nghề đi phân tích trước mình đã đề cập tới khái niệm sức bật – „resilience“, hay còn gọi là sức bền. Khi bạn đối diện với bất cứ một nghịch cảnh, khó khăn hay thử thách nào, có sức bật, sự bền bỉ, ý chí dẻo dai sẽ là tính cách giúp bạn chóng vượt qua và giữ vững được cân bằng trong cuộc sống và tinh thần.

Định nghĩa “resilience”

Trong tiếng anh từ resilience có nghĩa là khả năng đàn hồi, khả năng của một vật chất có thể trở lại hình dạng và trạng thái ban đầu của nó sau khi bị bẻ cong, kéo căng hoặc bị ép xuống. Đó là nghĩa đen, nhưng trong tâm lý học, từ này có nghĩa là khả năng trở lại hạnh phúc, thành công, v.v. sau khi một điều gì đó khó khăn và tồi tệ đã xảy ra.

Trong cuộc sống hẳn ai cũng đã từng ít nhất phải đối diện với nghịch cảnh một lần. Nghịch cảnh có thể xuất hiện trong việc học hành, công việc, đời sống cá nhân. Có những việc chỉ khiến ta căng thẳng, lo lắng nhẹ như chuyển việc, đổi việc, chuyển nơi ở, có những sự kiện lại khiến ta bị tổn thương sâu sắc, để lại những chấn thương tâm lý có thể gắn với chúng ta cả cuộc đời, ví dụ như lúc mất đi một người thân yêu hoặc lúc lâm bệnh nặng.

Bạn đã bao giờ tự quan sát xem sau mỗi sự kiện tồi tệ, bạn mất bao lâu để trở lại trạng thái cân bằng hoặc đâu là lý do bạn có thể trở lại được trạng thái cân bằng và hạnh phúc chưa?

Cảm giác thuộc về (sense of belonging) và sức bật

Theo các nhà tâm lý học, cảm giác thuộc về (sense of belonging) là một công cụ hữu hiệu để dự đoán sức bật ở trẻ vị thành niên, cũng như để luyện tập và phát triển sức bật ở người trưởng thành. Nói cách khác đi, có một hệ thống hỗ trợ, những mối quan hệ yêu thương và giúp đỡ trong và ngoài gia đình là yếu tố cơ bản để phát triển sức bật.

May mắn sức bật không phải là một tính cách bẩm sinh hay bản năng trời phú, đây là một đặc điểm, một kĩ năng, phong cách sống mà con người chúng ta hoàn toàn có thể học tập và luyện tập được. Sau đây sẽ là những gợi ý về những chiến lược, công cụ để bạn có thể gia tăng sức bật, giảm tính sát thương của mỗi nghịch cảnh.

Luyện tập sức bật cho cá nhân

Ngoài có được một hệ thống hỗ trợ là điểm tựa để chúng ta vực dậy trong mọi hoàn cảnh. Luyện tập sức bật cho mỗi cá nhân còn liên quan tới nhiều yếu tố khác mà chỉ người trong cuộc mới có thể thực hiện chứ không phải bạn bè, gia đình, hay những mối quan hệ nào khác. Những yếu tố cá nhân này bao gồm:

  • Khả năng suy nghĩ tích cực, phân tích vấn đề một cách logic và lý trí
  • Khả năng vệ sinh cảm xúc, quản lý cảm xúc
  • Khả năng đặt ra mục tiêu và lên kế hoạch thực hiện chúng

Hội tâm lý học Hoa Kỳ APA đã đưa ra những chiến lược để mỗi cá nhân có thể luyện tập và tăng cường sức bật:

1. Ưu tiên các mối quan hệ

Kết nối và cảm thông với mọi người để biết rằng bạn đang không đơn độc mỗi khi gặp khó khăn. Có nhiều bạn khi gặp nghịch cảnh thường có xu hướng thu mình, khép mình, nhưng cởi mở tâm hồn để nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ từ những người thực sự quan tâm mình sẽ giúp tăng sức bật.

Tham gia vào các nhóm: ngoài những mối quan hệ 1:1, có những đội nhóm cùng chung một sở thích hay niềm tin hay hoạt động cùng một mục tiêu, cũng là nền tảng quan trọng để bạn xây dựng những mối quan hệ 1:1 sâu hơn.

2. Chăm sóc bản thân cả về thân, tâm và trí

Sức khoẻ thể chất rất quan trọng. Căng thẳng đến với tâm cũng thường vì thân cũng chưa khoẻ. Vì vậy có một chế độ dinh dưỡng phù hợp, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, tự chăm sóc bản thân thường xuyên và đặc biệt là luyện tập ngủ đủ và đúng giờ sẽ giúp nâng cao sức khoẻ thể chất một cách đáng kể.

Tập luyện lối sống tỉnh thức: với tên gọi nào hay cách tập luyện nào, điều cơ bản nhất của sự tỉnh thức là bạn sống trọn vẹn với giây phút hiện tại, tìm được niềm vui và thưởng thức cuộc sống ngay giờ phút hiện tại, sẽ khiến tâm bạn không còn chỗ cho những muộn phiền vì những việc đã xảy ra hoặc những giông bão sắp tới. Ngoài ra, căng thẳng trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi, thay vì lo lắng tìm cách tránh né sự căng thẳng hay nghịch cảnh, tìm cách điều hoà và quản lý nó sẽ giúp chúng ta luyện tập sự dẻo dai và bền bỉ, sức bật dù ở hoàn cảnh nào.

3. Sống có mục tiêu, ý nghĩa

Cách tốt nhất để luôn có những hệ thống hỗ trợ khi ta phải đối mặt với nghịch cảnh, là hãy giang tay đi giúp người trước. Khi giúp được một ai đó dù bằng bất cứ cách nào, con người ta sẽ cảm thấy mình có giá trị, từ đó tăng sự tự tin và sức mạnh ý chí, ngoài ra đó cũng là cách để xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa.

Tư duy mở và tư duy khép (growth mindset và fixed mindset): trong mọi hoàn cảnh cố gắng chủ động với những gì bạn có thể tác động. Thay vì chờ đợi những tác động bên ngoài hay một thần may mắn tới cứu giúp, tập trung vào câu hỏi tự bản thân bạn có thể làm gì để thay đổi những thứ nằm trong tầm kiểm soát của bạn? Thay vì nghĩ “tôi không thể làm được”, cách đặt câu hỏi khác đi như “làm sao để tôi có thể làm được” sẽ khiến cách nhìn nhận vấn đề được thay đổi. Bạn sẽ khám phá ra nhiều hướng đi khác mà so với tư duy khép kín bạn không thể có được.

Để không thất vọng, đừng hi vọng, các cụ nói cấm có sai. Thực ra không có nghĩa là chúng ta ngừng hi vọng, mà là chúng ta nên biết cách đặt ra những mục tiêu thực tế, trong tầm với. Nếu có mục tiêu lớn, nên biết cách tách ra thành những mục tiêu nhỏ. Động lực đến từ việc hoàn thành những mục tiêu nhỏ, nó cho ta hi vọng một cách thực tế.

Tìm cách khám phá bản thân: có nhiều người chỉ tìm ra rất nhiều góc cạnh của họ mà họ chưa biết tới khi phải đối diện với sự khó khăn hoặc nghịch cảnh, ví dụ như khi mất việc, mất đi người thân, thậm chí là mất đi toàn bộ tài sản. Lại một lời các cụ nói, cái khó ló cái khôn. Mỗi sự khó khăn vừa là thử thách, vừa là cơ hội, chỉ là khi đó bạn chưa biết đến nó mà thôi. Cho mình được phép “khó” để khám phá bản thân mình, từ đó trân trọng giá trị của bản thân hơn và tăng cường sức bật của mình hơn.

4. Nuôi dưỡng những góc nhìn tích cực

Chấp nhận rằng thay đổi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

“Change is the only constant in life”

Heraclitus – Triết học gia Hy Lạp

Có một số trường hợp bạn sẽ phải chấp nhận rằng bạn không thể xoay chuyển được tất cả mọi thứ, vậy lại quay trở lại câu hỏi “tôi có thể thay đổi được những gì” để tập trung vào những thứ bạn có thể tác động được.

Một trong những thứ đó, là góc nhìn của bạn. Một người thường có rất nhiều những định kiến hoặc suy nghĩ không logic khi đối mặt với khó khăn. Tìm ra những chỗ bạn đang để cảm xúc lấn át, và thử xem xét nó với tâm thế là một người quan sát trung lập, bạn sẽ có những góc nhìn khác về vấn đề.

Giữ hy vọng về tương lai và học hỏi từ quá khứ: Sự tích cực và hy vọng giúp bạn nghĩ tới những điều tốt đẹp sẽ xảy ra, cố gắng tưởng tượng ra những gì bạn muốn thay vì những gì bạn sợ. Kiểm điểm lại những trường hợp khó khăn bạn đã từng trải qua, cách bạn trải qua nó và bài học bạn có được cũng là cách bạn khám phá bản thân và tăng sự tự tin vào khả năng vượt qua nghịch cảnh của chính mình. Có một thói quen tự nhìn lại, tự phê bình những kinh nghiệm trong quá khứ cũng như những mục tiêu trong tương lai sẽ giúp bạn luyện tập sức bật.

Chơi bóng chuyền – Jannes Glas

Luyện tập sức bật trong tập thể

Trong tập thể, cách tốt nhất để luyện tập sức bật chính là qua việc phát triển cảm giác thuộc về, cảm giác hoà nhập cho mỗi cá nhân trong tập thể. Để mỗi cá nhân trong tập thể có cảm giác mình là một phần không thể thiếu trong tập thể đó, những chiến lược cho một đội/ nhóm là:

1. Đề ra những mục tiêu chung của nhóm

Mục tiêu chung của nhóm phải là một điều gì đó mang ý nghĩa cho từng cá nhân trong nhóm và có chỗ để cho mỗi người phát triển mục tiêu riêng của họ. Mục tiêu nhóm khuyến khích từng cá nhân trong nhóm phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

2. Phát triển một môi trường an toàn, khuyến khích sự an toàn tâm lý

Psychological safety (an toàn tâm lý), là khi mỗi cá nhân có thể hoàn toàn thoải mái thể hiện bản thân mà không sợ hay e ngại bất cứ một ảnh hưởng tiêu cực nào tới hình ảnh, vị trí hay sự nghiệp của họ (trong tập thể), ví dụ như sự chế nhạo, chê bai hay thậm chí những sự trừng phạt khác.

Khi tạo dựng được một môi trường đội nhóm an toàn và mọi cá nhân bên trong đều không sợ hãi khi đưa ra ý kiến đóng góp hay xây dựng của mình, họ sẽ cảm nhận ý kiến của mình được đồng đội lắng nghe và chia sẻ, cảm thấy mình thuộc về tập thể đó.

3. Ăn mừng cả quá trình chứ không chỉ thành công

Sức bật được xây dựng trong một quá trình dài trong đó cá nhân và tập thể sẽ có thể vài lần chạm mặt với sự thất bại hay khó khăn. Với mỗi trải nghiệm như vậy, điều quan trọng là cả nhóm cùng nhìn lại những điều họ đã đạt được cùng trong trong cả hành trình, chứ không chỉ mục tiêu và đích đến cuối cùng.

Tất nhiên, khi tập thể đạt được những bài học hay thành công nhất định, việc ăn mừng cùng nhau hoặc có những phần thưởng cũng rất quan trọng. Nó giúp mỗi cá nhân có cảm giác công sức của họ được đền đáp và tăng cường tinh thần đồng đội.

4. Tạo ra những cơ hội để có trải nghiệm tập thể (đặc biệt là trải nghiệm xã hội)

Không gì gắn kết con người ta nhiều hơn bằng những trải nghiệm thực tế cùng nhau, không nhất thiết luôn phải trong khuôn khổ của nhà trường, lớp học hay công việc. Cùng nhau thực hiện những hành động khác hữu ích cho xã hội (từ thiện, giúp đỡ cộng đồng) hoặc những hoạt động mang tính trải trí, thể thao, vui vẻ sẽ mang đến tiếng cười và cảm giác hoà nhập trong cùng một nhóm.

KẾT

Mỗi khi nhắc tới “sức bền” hay “sức bật”, tôi hay nghĩ tới câu chuyện của những người chạy đường mòn (trail running). Mục tiêu của họ thường là những khoảng cách khá xa, vài chục ki-lô-mét và ở những địa hình khác nhau.

Trên đường đi người ta có thể gặp nhiều chặng và mặt bằng khác nhau, lúc lên dốc, xuống dốc, lúc lắt léo, lúc thẳng tăm. Điều thú vị là, trong quá trình chạy người ta sẽ hiểu hơn về cấu trúc con đường và cách vượt qua những chướng ngại vật trên đường.

Để chạy hết được 60 km đường mòn cũng cần có những chiến thuật thích hợp. Sức bật, sự bền bỉ và tin tưởng là chìa khoá đưa cho họ sự dũng cảm để thay đổi đường đi, chiến lược nếu cần thiết.

Người ta sẽ thường không bỏ cuộc khi có những đồng đội cùng chí hướng bên cạnh. Mặc dù có đồng đội, nhưng việc vượt qua những thử thách vẫn phụ thuộc vào ý chí mỗi người chạy. Để vượt qua cả chặng đường mòn, thì sau mỗi những thử thách bên lề đường, mỗi người vẫn phải quay lại với mục tiêu của chính họ, với đôi chân và bộ não của chính mình.

Bài viết tham khảo và dịch từ chia sẻ gốc của hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ và các nguồn/khoá học khác.


Trang blog được thành lập và quản lý chỉ bởi một người (chính mình). Nếu bạn thích bài viết này hoặc muốn ủng hộ blog của mình, cách tốt nhất là kể về nó hoặc chia sẻ với bạn bè hay những người xung quanh mà bạn cho là bài viết này có thể hữu ích cho họ. Cheers 😉


2 Comments

Tự học nghề phân tích - Quynh's Musing · March 29, 2022 at 5:18 am

[…] người muốn tự học còn cần trang bị cả growth mindset và sức khoẻ tinh thần, sức “bật” (resilience), ý chí nữa. Có một tinh thần ham học hỏi và muốn phát triển là điều kiện […]

Nếu đang cảm thấy bị bỏ lại phía sau - Quynh's Musing · April 8, 2022 at 6:32 am

[…] cuộc sống sẽ có lúc bạn đi lên hoặc đi xuống. Có sức bật để vực dậy từ những sai lầm hay thất bại của mình để tiếp tục đi lên […]

Comments are closed.