Mỗi chúng ta ai cũng quen thuộc với khái niệm vệ sinh cơ thể, ai cũng đánh răng buổi sáng sau khi thức dậy, ai cũng tắm gội, ai cũng biết dùng cồn tiệt trùng và dùng băng để sơ cứu vết thương.
Nhưng bạn có biết thế nào là vệ sinh cảm xúc hay không?
Lần đầu tiên tôi biết đến khái niệm vệ sinh cảm xúc hay là sơ cứu cảm xúc là vào khoảng đầu năm 2017. Khi ấy tôi đang trải qua một cuộc thất tình dài liên miên.
Phải gọi là một quãng thời gian khá độc hại vì tôi không biết cách nào để “move on” từ cuộc tình đấy. Ngoài xã hội thì tôi vẫn đi học, đi làm, thậm chí còn khá bận rộn và thành công vì tôi làm việc liên tục ở những công ty lớn. Những khi về lại nhà ở trong phòng đóng kín cửa, nỗi buồn lại bao trùm xung quanh tôi. Khi một mối quan hệ phải chấm dứt mà bạn không là người mong muốn nó, thật khó để chấp nhận.
Lúc ấy lang thang trên mạng tôi bắt gặp được một bài nói chuyện, nó như giúp tôi bừng tỉnh và thoát ra cái hố chính mình đang đào (có cảm giác chiếc điện thoại thông minh hoàn toàn có khả năng nghe lén và theo dõi tâm trạng tôi mà tự nó gợi ý cho tôi chiếc video đó, tôi cũng không biết nữa, nhưng có khả năng lắm).
Bài nói chuyện của tiến sĩ và bác sĩ tâm lý học Guy Winch – có tựa đề Làm thế nào để chữa lành một trái tim tan nát – trúng phóc tim đen của tôi. Sau khi xem video ấy tôi mới biết mình đang làm tất cả những điều không những không giúp tôi thoát ra được mối quan hệ đó mà còn để cho những cảm xúc độc hại bao trùm sâu hơn.
Theo dõi những công trình khác của Guy, tôi mới biết mình đang thực sự thiếu kiến thức và kĩ năng bảo vệ cảm xúc của chính mình. Làm thế nào để có được sự vệ sinh cảm xúc và không thể trái tim bị “tan vỡ”? Bài học từ những phương thức sơ cứu cảm xúc do bác sĩ Guy Winch giới thiệu bao gồm:
1. Cơ thể và tâm hồn là một thể thống nhất
Con người chúng ta không thể là một thể hoàn chỉnh nếu không có cả thể chất lẫn tâm hồn. Vì vậy chúng ta không thể tách rời sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm lý.
Thời xưa, khi xã hội cho rằng việc đi gặp bác sĩ tâm lý là một việc gì đó rất ghê gớm, chỉ những người “não có vấn đề” mới phải đi bác sĩ tâm lý thì việc lơ là sức khoẻ tinh thần lại càng là một lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên với sự phát triển của xã hội ngày nay, tâm lý, tinh thần cần phải được coi trọng ngang hàng với sức khoẻ thể chất.
Nếu bạn có thể bỏ tiền ra đi tập thể thao hay đi khám bác sĩ vì cái chân bị thương hay cái bụng bị đau, bạn nên đầu tư tương tự cho sức khoẻ tâm lý của mình. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, những người có bệnh về thể chất thường hoặc dễ mắc thêm bệnh về tinh thần và ngược lại.
2. Những vết thương tâm lý xảy ra nhiều hơn bạn tưởng
Đừng bỏ ngoài tai mà hãy lắng nghe những dấu hiệu cảm xúc và đối mặt với nó trước khi vết thương đó bào mòn tâm trí bạn.
Khi một vết đứt tay sâu mãi không lành, ta biết có thể nó đã bị nhiễm trùng, hay tệ hơn, nó có nguy cơ tử hoại và khiến bạn mất cả bàn tay đi. Khi ấy, ta sẽ muốn được đi bệnh viện để bằng mọi giá phải giữ được bàn tay ấy.
Những vết thương tâm hồn có khả năng sát thương tương tự. Nếu như bạn cảm thấy buồn bã hay đau lòng nhiều ngày vì thất tình, chia tay hay vì một lý do nào khác, đừng thản nhiên nói câu “thời gian sẽ chữa lành tất cả”. Để mặc vết thương lâu ngày sẽ gây ra một số chứng bệnh như trầm cảm hoặc thậm chí là những hậu quả nghiêm trọng hơn..
Thời gian chỉ là một chất xúc tác, chính những quyết định của bạn mới là thuốc chữa lành. Những lúc như thế đừng che giấu cảm xúc hay tỏ ra là mình không sao, hãy tìm đến những “hệ thống hỗ trợ” mà bạn có. Gia đình, bạn bè thường là những phương tiện gần gũi và dễ tiếp cận nhất đối với mỗi người, bạn có thể thử chia sẻ với họ. Tuy nhiên, hãy tìm gặp những chuyên gia nếu vết thương tâm lý của bạn thực sự sâu. Hãy đối xử với những vết thương lòng như những vết cắt tay kia.
3. Đừng tin vào phản xạ tự nhiên, dùng lí trí để phân tích
Khi tôi chia tay với anh bạn trai cũ, điều tôi tự hỏi mình đầu tiên đó là mình đã sai ở đâu. Mình đã không làm được những điều gì. Nếu mình thay đổi thì liệu chúng tôi còn có ở bên nhau không.
Phản xạ tự nhiên là những phản ứng bằng bản năng vô lý trí khi chúng ta bị tổn thương, khi ấy con người ta thường thích xoáy sâu thêm vào nỗi đau của chính mình.
Khi thất bại, ta hay tìm mọi lý do để giải thích cho sự thất bại đó và hầu hết những lý do đó là vì ta chưa làm được điều này hay ta thiếu sót điều kia. Đây là một vòng tròn luẩn quẩn – làm như vậy chỉ khiến chúng ta tập trung vào những điểm tiêu cực thay vì tích cực và ngày càng mất đi lòng tự tôn, sự tự trọng. Cuối cùng nó như một câu thần chú khiến chúng ta luôn-luôn-có-cảm-giác-thất-bại.
Thay vì tuân theo phản xạ tự nhiên và tập trung vào những sự việc chúng ta không thể điều khiển được (ví dụ như cách đối phương nhìn nhận mình hay nhìn nhận mối quan hệ này), ta nên tập trung vào những thứ mình có thể tác động được (ví dụ như chính cách chúng ta nhìn nhận mình, hay cách chúng ta tìm kiếm những cơ hội khác). Chỉ cần bạn bắt đầu với những bài tập nhỏ, sau mỗi lần thành công bạn sẽ thấy sự tự tin và vui vẻ quay trở lại trong tâm hồn.
4. Khi đang buồn, hãy làm một cái gì đó thật vui
Nói cách khác đi, nếu bạn đang ở trong một vòng tròn xoáy của sự tiêu cực và buồn bã, không nên “tiếp tay” cho những cảm xúc đó bằng cách tiếp tục xem một bộ phim buồn, hay đọc những tin nhắn tiêu cực.
Tôi thường lôi ảnh thời chúng tôi còn hẹn hò ra xem để gặm nhấm nỗi buồn và gặp lại bạn trai cũ nhiều lần vì chưa sẵn sàng buông bỏ…Đây là một thói quen hoàn toàn độc hại. Không có một cảm xúc nào có thể sống sót được nếu như bạn không tiếp tục trao cho nó những thức “thức ăn” mà nó muốn.
Những lúc cảm thấy buồn hay tuyệt vọng, điều bạn có thể làm là tự làm sao nhãng bản thân bằng những hoạt động vui vẻ, đặc biệt là những hoạt động cần sự tập trung, ví dụ như vẽ, chơi Trivia, chơi cờ. Chỉ cần bắt đầu 2 phút thôi, bạn sẽ thấy mình bị sao nhãng khỏi những hoạt động buồn bã kia và tập trung vào những hoạt động mang tính tích cực hơn.
5. Theo dõi và bảo vệ lòng tự tôn của chính mình
Đối với người ngoài, chúng ta có xu hướng vị tha hơn đối với chính bản thân mình. Nhiều khi ta có thể lắng nghe hàng giờ khi một cô bạn thất tình hay khi ai đó có chuyện buồn trong gia đình. Nhưng lại không thể dành thời gian lắng nghe bản thân.
Khi độ tự tin và lòng tự tôn đã bị dìm xuống rất thấp là khi ta cần nghiêm túc quay trở lại bên trong tâm hồn và thực hành lòng trắc ẩn với chính mình. Nếu đi qua đường đã có thể từ bi với một người vô gia cư nghèo khổ, tại sao lại không thể từ bi và trắc ẩn với chính mình, đặc biệt là khi trái tim và tâm hồn bạn đã bị tổn thương.
Những lúc có cảm giác bạn đang nghiêm khắc với chính mình, hãy tập đóng vai bạn là người khác, viết một bức thư cho một cô bạn thân đang có trải nghiệm giống như mình. Nếu bạn là người ngoài cuộc, bạn sẽ viết gì cho cô bé đó? Những lời nhắn mang tính trắc ẩn và vỗ về ấy chính là những điều bạn cần căn dặn bản thân mình ngay lúc này.
6. Tìm kiếm ý nghĩa từ sự mất mát nhưng đừng tự trách mình quá lâu
Mất mát không phải là dấu chấm hết mà chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống. Cuộc sống này sẽ không thể tiếp tục nếu không có sự luân hồi. Thay vì đắm chìm trong sự tiếc nuối, ta có thể tìm cho mình một bài học nào đó trong sự mất mát và dùng nó để tìm kiếm cho mình một khởi đầu mới.
Hãy biết ơn vì một cơ hội đã ra đi để cho một cơ hội khác đến giúp chúng ta có thể phát triển một cuộc sống đúng với giá trị mình mong muốn hơn.
Thử nghĩ, nếu không có bao nhiêu cuộc chia tay khác, liệu bạn có thể tìm được người bạn đời tốt như người bây giờ ở bên cạnh bạn hay không? Nhiều khi tôi hay băn khoăn, nếu khi xưa bà tôi không đổ bệnh thì con cái bà có thể gần gũi và thân thiết với nhau được như họ bây giờ hay không.
Đôi khi, một chút ít cảm giác tội lỗi có thể có lợi vì nó giúp ta nhận ra được mình phải thay đổi để cải thiện những mối quan hệ đang gặp vấn đề. Sống mãi trong cảm giác tội lỗi ấy lại là liều thuốc độc. Nó khiến ta không thể làm được việc gì khác tích cực hơn và thưởng thức cuộc sống này.
Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là thực hành việc xin lỗi một cách thành khẩn và hữu hiệu. Xin lỗi không có nghĩa là cố gắng giải thích hay biện minh, xin lỗi đơn giản là nhận sai lầm về mình và đồng cảm để đối phương có cảm giác được sẻ chia, để nỗi đau và cơn giận của họ được dịu lại. Khi bạn thực sự muốn xin lỗi, lời xin lỗi và cảm giác được tha thứ ấy sẽ khiến cảm giác tội lỗi của bạn giảm nhẹ đi và lòng bạn thấy thanh thản hơn.
7. Mỗi người có một cách chữa lành vết thương tâm hồn riêng
Đối với một số vết thương lòng, người ta có thể dễ dành chữa lành nó bằng cách tâm sự với bạn thân, đi ăn một vài bữa ngon, đi du lịch bụi để được một mình và tìm tới thiên nhiên. Có người buồn rất nhiều, nhưng qua rất nhanh. Ngược lại, có những nỗi buồn chỉ man mác nhưng lại ở lại rất lâu. Cần phải biết những việc làm nào đã giúp mình vượt qua cảm xúc tiêu cực và những nỗi buồn đó để phân tích phương thức nào phù hợp nhất với chính bạn.
Không một bác sĩ tâm lý hay một người Thầy nào có thể dạy cho bạn cách làm nào là đúng. Bác sĩ có thể kê đơn nhưng chính chúng ta mới là người thử và biết rằng loại thuốc nào phù hợp. Bằng cách tập luyện thói quen theo dõi và phân tích cảm xúc, bạn sẽ là người biết rõ nhất làm thế nào có thể chữa lành vết thương trong tâm hồn của chính mình.
Tôi thấy vui vui vì kể từ khi tôi ngộ ra được những bài học này, không những trái tim tôi đã lành lặn lại, mà tôi còn giúp cho cô bạn hàng xóm vượt qua được một vài cú sốc tinh thần mà không quá bị bầm dập…
Bây giờ mỗi khi ai đó kể với tôi là họ đang thất tình hay vừa trải qua một mối quan hệ, tôi đều giới thiệu và chia sẻ cho họ bài nói chuyện này. Tất nhiên, không nhất thiết phải vừa thất tình mới có thể đồng cảm được với những nguyên tắc này. Nếu lúc nào chúng ta cũng chuẩn bị sẵn sàng để “sơ cứu cảm xúc” khi nó cần, chắc chắn sẽ có thêm nhiều lần con tim bạn bớt đau.
Trang blog được thành lập và quản lý chỉ bởi một người (chính mình). Nếu bạn thích bài viết này hoặc muốn ủng hộ blog của mình, cách tốt nhất là kể về nó hoặc chia sẻ nó với bạn bè hay những người xung quanh mà bạn cho là bài viết này có thể hữu ích cho họ. Cheers 😉