Hay còn gọi chính xác hơn là những điều mình thuyên giảm hoặc đã ngừng hẳn kể từ khi bước sang tuổi 30 để có một chiến lược tiết kiệm và đầu tư mạnh mẽ hơn.

Bạn không cần chờ tới khi 30 tuổi mới nhận ra việc tiết kiệm và đầu tư từ khi còn trẻ sẽ là đòn bẩy giúp sức khoẻ tài chính của bạn ngày càng ổn định và lớn mạnh. Tất nhiên những điều này mình đều đã cố gắng thực hiện từ trước khi 30 tuổi, nhưng kể từ cột mốc 30 tuổi mình đã thắt chặt và có những thành công nhất định với những thói quen này:

1. ĂN HÀNG

Với một đứa thích ăn và thích khám phá đồ ăn như mình, việc ăn hàng là một cái gì đó không thể thiếu. Đặc biệt lúc mới ra trường có công việc ổn định, khi mà thu nhập của mình được nhân 3 thì việc ăn hàng là một phần thưởng mình luôn tự coi là xứng đáng cho những ngày tháng sinh viên đi học “khổ hạnh”.

Nhưng bạn biết không, việc đi ăn nhà hàng quá nhiều hoặc không có kiểm soát có thể đốt cháy túi bạn lúc nào mà không biết. Ở Đức, mỗi thành phố hoặc khu vực có một mức sống khác nhau. Ở Berlin, bạn có thể đi ra ngoài hàng ăn một bữa với 50 euro và vẫn còn tiền thừa để lại túi, nhưng ở những thành phố đắt đỏ khác như Munich, Hamburg hay Stuttgart, mỗi lần đi ăn hàng có thể khiến bạn tiêu 50-100 euro như chơi. Chưa kể ngoài đồ ăn, đồ uống thường là những thứ đi kèm có nhiều mark-up nhất, đây sẽ là những thứ đốt cháy túi tiền của bạn nếu không chi tiêu cẩn thận.

Thay vào đó, mình có thói quen meal-planning (hay còn gọi là lên kế hoạch các bữa và chuẩn bị sẵn thức ăn) vào mỗi cuối tuần. Hồi còn sinh viên, chính việc này đã giúp cho mình vừa ăn uống đủ chất, vừa có thời gian trong tuần để yên tâm học và làm vì không phải lo nghĩ mỗi bữa ăn gì cho phù hợp với ngân sách hàng tháng nữa.

Tất nhiên, việc ngưng bỏ hay cấm đoán cái gì đó một cách cực đoan đều là không tốt. Thay vì ngừng hẳn đi ăn nhà hàng 100%, bạn có thể tự đề ra chỉ tiêu 1 tháng đi ăn bên ngoài là bao nhiêu. Chất lượng cuộc sống luôn quan trọng hàng đầu, có những dịp bạn sẽ thực sự muốn liên hoan và hưởng thụ cùng người thân và bạn bè. Với một ngân sách chi tiêu hợp lý, bạn vẫn có thể đi ra ngoài ăn hàng ít đi mà không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

2. MUA MỸ PHẨM

Mình phát hiện ra sở thích làm đẹp và mỹ phẩm vào khoảng năm 25-26 tuổi, khá muộn so với các bạn trẻ GenZ hiện nay. Đơn giản là vì trước đó mình thực sự tự tin về làn da cũng như vẻ bề ngoài của mình (chắc tại nghĩ là sẽ trẻ mãi nên không cần dùng gì hết ^^). Nhưng khi Youtube bùng nổ với những video, tutorial dạy làm đẹp, có một thời gian mình nghiện mua và sử dụng mỹ phẩm nặng (không biết có nhiều bạn cũng mắc bệnh tương tự hay không?).

Bất kể giá thành nào, mình đã dùng qua những loại mỹ phẩm từ hạng thường cho tới hạng trung cho tới cao cấp. Kể cả sau thời sinh viên khi việc kiếm tiền đã dư dả hơn, hàng tháng mình vẫn đốt rất nhiều tiền cho những sản phẩm làm đẹp.

Có một nguyên lý luôn khá đúng khi áp dụng lên mọi sự việc đó là nguyên lý 80-20 (Pareto). 80% kết quả của một việc gì đó thường tới từ 20% nỗ lực hay những gì bạn làm. Trong trường hợp này, 20% số mỹ phẩm bạn đang sở hữu thường sẽ đủ cho tới 80% nhu cầu sử dụng của bạn.

Dù cho bất cứ dịp gì, mình phát hiện ra mình chỉ sử dụng những “item” mà mình cưng nhất, hay hợp với làn da của mình nhất. Vậy là từ việc có hàng chục những bảng màu mắt, má, môi các thể loại, mình đã cho đi kha khá và chỉ giữ lại những bộ mỹ phẩm mình yêu thích nhất và luôn dùng tới. Đây là những viên gạch đầu tiên cho nỗ lực đơn giản hoá cuộc sống, đơn giản hoá lựa chọn, mà lại còn tiết kiệm tiền mua sắm hàng tháng nữa chứ.

Thay vì mỹ phẩm, từ sau tuổi 30 mình tập trung vào việc chăm sóc da hơn, sử dụng ít “item” hơn và chỉ thực sự mua những thứ tốt mà mình sẽ dùng thường xuyên, ít mà chất.

3. MUA THỜI TRANG NHANH

Cũng giống như mỹ phẩm drugstore (giá rẻ hoặc hạng trung), thời trang nhanh (fast fashion) là một mặt hàng hay khiến chúng ta rơi vào cái bẫy “tiết kiệm” của người bán hàng.

Mỗi dịp giáng sinh hay hè tới, với những chiến biển màu đỏ “SALE SALE SALE” là các chị em (hoặc cả những anh em) rú rít lên bảo nhau: cơ hội để mua đồ giá rẻ đây rồi, cơ hội tiết kiệm đây rồi. Hoặc khi nhìn thấy những thông báo trên điện thoại như: chỉ còn 1 số ít những sản phẩm có giá này, v.v. ai mà chả lao ra mấy cửa hàng quần áo để giật về bằng được hàng đang on sale. Đây là một chiến lược không xa lạ gì trong ngành marketing – chiến lược gây cảm giác khan hiếm.

Với một chiếc áo có giá bán lẻ là 100 euro, giá sale là 50 euro, khi mua nó bạn nghĩ mình đang tiết kiệm được 50 euro. Ngược lại, bạn đang phung phí 50 euro (hoặc bạn đang nghèo đi 50 euro) vì chiếc áo đó – một item mà có lẽ trong tủ đồ của bạn cũng có và vẫn đang sử dụng ổn.

Từ sau tuổi 30 mình chỉ sử dụng những đồ thời trang có chất lượng, tìm kiếm những mẫu mốt lâu lỗi thời để có thể sử dụng được lâu hơn. Hơn nữa, việc có một tủ đồ tối giản là cách để bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc mỗi khi lựa chọn một bộ đồ nào đó.

Suy cho cùng, thời gian để chúng ta sử dụng vào những công việc có giá trị khác như dành thời gian với gia đình, bạn bè, người thân, hay học tập một kĩ năng mới, sẽ mang lại giá trị lâu bền hơn việc thay mốt áo quần như đi chợ.

4. GIẦY CAO GÓT

Với các chị em giống mình, việc có đủ loại giầy dép cho mỗi loại sự kiện lâu nay đã là không thể thiếu. Đặc biệt từ sau sự có mặt của fast fashion, việc chị em đi sắm nhanh cho mình một đôi giầy để mặc cho hợp sự kiện nào đó cũng là chuyện bình thường, vì nó quá rẻ mà. Bạn có bao nhiêu đôi giầy cao gót trông thì đẹp nhưng mà đi thì đau thôi rồi?

Mình có một quan niệm, quần áo mình có thể mặc đồ không tốt lắm, nó không ảnh hưởng tới mình lắm, nhưng với giầy dép, mình luôn chú trọng tìm đồ tốt vì nó có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ, dáng đi, cột sống của mình.

Bước sang tuổi 30 mình đã chú trọng hơn nữa vào chất lượng của một đôi giầy hơn là kiểu dáng của nó. Cũng giống như những mặt hàng khác, nguyên lý Pareto cũng áp dụng ở đây, trong tủ giầy của bạn, chỉ có tối đa 20% là bạn thường xuyên sử dụng vì chúng rất êm ái mà thôi. Vậy việc gì mình phải tiếp tục phung phí tiền cho 80% số giầy còn lại?

5. THẺ GYM SANG CHẢNH

Mình là một tín đồ của việc tập thể thao, tậm gym vì vốn có dây thần kinh vận động từ bé.

Với một số người, quyết định mua thẻ gym có thể đến một cách bộc phát hoặc vì lý do nào đó, bạn bè rủ rê, anh bán hàng quá đẹp trai, muốn giảm cân nhanh vì một sự kiện nào đó v.v. Nhưng khi mua xong không phải ai cũng sử dụng hết giá trị của chiếc thẻ gym.

Ngay cả mình, khi mua một gói dịch vụ gym, mình biết mình có sử dụng đến nó, không tới nỗi quá phung phí. Nhưng thẻ gym của những trung tâm tốt có chất lượng thường không phải là rẻ. Trừ khi bạn sử dụng hàng ngày hoặc một tuần 3-4 lần, thường giá trung bình của một lần đi tập gym sẽ không ít như bạn nghĩ.

Có rất nhiều cách khác để vẫn duy trì được vóc dáng và sức khoẻ mà không phải cúng tiền mỗi tháng cho phòng gym. Chạy bộ ở ngoài công viên, sử dụng những bãi tập công cộng, bạn có thể làm cùng bạn bè hoặc với những bạn có kĩ thuật hơn thì tự tập ở nhà.

Trong giai đoạn cả thế giới đóng cửa vì dịch Covid, mình đã đầu tư cho mình dụng cụ gym, tạ ở mức cơ bản và từ đó đến nay đều tự tập ở nhà. Có thể 50-100 euro thẻ thành viên mỗi tháng không phải là quá nhiều, nhưng với việc cắt thẻ gym mình đã có thể tiết kiệm được từ 600 tới 1,200 euro mỗi năm. Số tiền đó để dùng đầu tư hoặc để vào quỹ ETF có phải tốt hơn không nào.

6. ĂN THỊT (CÔNG NGHIỆP)

Chắc là với người Việt hay người châu Á chúng ta, cái mác những nước nghèo hay những nước đang phát triển đã gắn liền với chúng ta từ nhiều thế hệ nên những bữa ăn “có thịt” thường được coi là tượng trưng cho sự có điều kiện. Việc ăn thịt đã trở nên bình thường hơn bao giờ hết.

Với việc chăn nuôi công nghiệp hiện hay thì chất lượng thịt cũng không được như trước, như mỗi khi cả làng mổ một con trâu, con lợn, hay ra vườn nhà bắt gà thả rông về làm thịt. Ăn nhiều thịt vừa đắt đỏ hơn so với việc kiếm những nguồn đạm thay thế khác từ thực vật hay từ biển, vừa không đảm bảo những dinh dưỡng cần thiết từ loại thịt đó do chất lượng chăn nuôi công nghiệp của nó.

Tất nhiên, thay vì cắt giảm thịt 100%, mình tập trung vào chất lượng thịt, ví dụ như có phải là thịt hữu cơ hay chí ít là được chăn nuôi một cách “có đạo đức” hay không. Bạn vẫn có thể thi thoảng thưởng thức một miếng steak ngon mà không ảnh hưởng tới kế hoạch chi tiêu của gia đình.

7. NHẬU

Với mình, một con người rất kém với đồ uống có cồn, nhậu không phải việc mình làm thường xuyên. Tuy nhiên có thể mình sẽ được rủ đi nhậu vì bạn bè, đồng nghiệp và sau mỗi lần đi nhậu về ví mình thường khá đau.

Như đã nói ở trên, đồ uống, đặc biệt là đồ uống có cồn thường là những sản phẩm có mark-up cao nhất trong ngành quán bar, nhà hàng. Việc trả mấy trăm nghìn cho một cốc nước có thể là không nhiều, nhưng với những người có tửu lượng cao thì chắc mỗi lần đi nhậu về ví bạn cũng đau đấy.

Thay vì nhậu ở bên ngoài, mình sẽ rủ bạn bè về nhà để cùng nhau nấu nướng và ăn uống. Có thể các bạn sẽ mất nhiều thời gian công sức hơn nhưng chắc chắn đó sẽ vẫn là một trải nghiệm vui vẻ.

KẾT

Còn rất nhiều những hoạt động khác mà mình đã ngưng hoặc thuyên giảm việc sử dụng nó đơn giản vì mình muốn có một cuộc sống thoải mái và dư dả hơn cho những trải nghiệm đáng tiêu tiền khác.

Với những người thích uống cà phê như mình, một cốc cà phê ngon rất quan trọng. Nhưng thay vì ngày nào cũng đi ra hàng uống một cốc cà phê với giá gấp ba lần so với uống ở nhà, mình đầu tư vào chiếc máy cà phê tốt để có thể tự pha.

Với những bạn nào sở hữu xe ô tô, bạn sẽ biết chi phí để bảo hành và duy trì một chiếc xe là không hề nhỏ, mình thích làm bạn với xe đạp và phương tiện công cộng, sử dụng dịch vụ car-sharing nếu cần. Một lợi ích khác ngoài tiết kiệm tiền từ việc không lái xe thường xuyên là mình có thể đọc sách và học bài trên phương tiện công cộng.

Tóm lại, bạn sẽ thấy có nhiều đề mục ở trên mà nguyên lý 80-20 hoàn toàn có thể áp dụng được. Với việc loại bỏ những chi tiêu không cần thiết và có một kế hoạch cẩn thận cho ngân sách của mình mỗi tháng, từ sau năm 30, việc tiết kiệm và đầu tư của mình đã nở hoa hơn rất nhiều so với những năm trước.

Hi vọng bạn có thể nhặt nhạnh được ý tưởng nào đó ở đây và sử dụng cho cuộc sống của mình. À, và đừng chờ tới khi 30 tuổi nha 😀 thời gian chính là tài sản quý giá của chúng ta đó.


Trang blog được thành lập và quản lý chỉ bởi một người (chính mình). Nếu bạn thích bài viết này hoặc muốn ủng hộ blog của mình, cách tốt nhất là kể về nó hoặc chia sẻ nó với bạn bè hay những người xung quanh mà bạn cho là bài viết này có thể hữu ích cho họ. Cheers 😉