Trong lúc đang trải qua một khoá coaching (khai vấn) về lãnh đạo, người khai vấn của tôi kể cho tôi một câu chuyện ngụ ngôn rất hay về một người nông dân ở Trung Quốc. Chúng tôi đã nói chuyện rất sâu về bài học này.
Ở một ngôi làng kia có một gia đình bác nông dân với một người con trai đang tuổi trai tráng. Họ có một chú ngựa giống giúp họ làm ăn, kiếm sống trên trang trại.
Một ngày nọ, con ngựa giống bỏ đi, hàng xóm trong thôn biết chuyện đều sang nhà bác chia buồn và bảo:
“Nhà chú chỉ có con ngựa giống để làm ăn, vầy mà giờ nó đi mất, thật là xui xẻo quá đi.”
Bác nông dân bảo:
“Có thể là xui, có thể là không, cứ để xem.”
Một thời gian sau, con ngựa trở về nhà, dẫn theo một vài con ngựa cái hoang từ trong rừng trở lại trang trại. Lúc này, hàng xóm ai nấy đều hò reo:
“Con ngựa giống của ông đã trở lại và mang thêm vài con ngựa về nhà. Giờ nhà ông có tới 8 con ngựa. Thật là may mắn!”
Bác nông dân trả lời:
“Có thể là may, có thể không, cứ để xem.”
Cuối tuần đó, khi bác cùng con trai bác nông dân đang cố gắng tập luyện và thuần hoá mấy con ngựa hoang, một con ngựa cái hoảng lên và hất văng anh con trai bác xuống đất, anh bị gãy chân. Mấy người hàng xóm lại sang nhà bác nhiều chuyện:
“Đúng là xui xẻo, khi không lại mang mấy con ngựa hoang về nhà để mang thêm tật vào người!”
Bác nông dân lại bảo:
“Có thể là xui, có thể là không, cứ để xem.”
Chẳng bao lâu sau, lính trên kinh thành diễu hành qua thôn của bác, tuyển mộ tất cả những thanh niên trai tráng có thể lực tốt về gia nhập quân đội. Người con trai duy nhất của bác nông dân không phải nhập ngũ vì chân anh vẫn đang tập tễnh hồi phục sau vết thương. Thấy thế, mấy người hàng xóm lại thốt lên:
“Ô hay, con trai ông được tha không phải nhập ngũ vì cái chân què, may mắn nhỉ!”
Bác nông dân trả lời:
“Có thể là may, có thể không, cứ để xem.”
…
Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng có phải là nó dạy cho chúng ta một bài học rất hay không?
Mọi việc xảy ra trong tự nhiên là một quá trình tổng hợp nhiều hiện tượng, yếu tố vô cùng phức tạp và không thể nói bất cứ điều gì xảy ra ngay trong lúc đó là tốt hay xấu theo cái đối đãi nhị nguyên mà chúng ta thường thấy – bởi vì, bạn sẽ không bao giờ biết điều gì sẽ là hậu quả của bất hạnh, hoặc, điều gì là hậu quả của vận may.
Đạo lý của câu chuyện này là rất ít sự kiện có thể thực sự được đánh giá là may mắn hay không may tại thời điểm chúng xảy ra – trong nhiều trường hợp, chỉ có thời gian mới có thể cho chúng ta cái nhìn toàn bộ về câu chuyện, như câu nói “cứ để mà xem” của bác nông dân.
Thông thường, chúng ta cũng như những người hàng xóm của bác nông dân, thường quá nhanh để đưa ra kết luận. Chúng ta thường bỏ quá nhiều tâm sức vào những thứ bề ngoài trông có vẻ hay ho cám dỗ nhưng không thực sự biết rằng liệu điều đó sau này có hữu ích cho mình hay không. Tương tự, chúng ta hay bị lôi cuốn vào việc phán xét những điều nhỏ nhặt mà ta cho là khó chịu, làm như chúng rất to tát với cuộc sống của mình vậy (dù có thể ta chỉ khó chịu trong chốc lát).
Câu chuyện ngụ ngôn này cũng cho tôi thấy cả bài học về chánh niệm và tỉnh thức.
Cũng như bao người đang đi trên con đường tìm hiểu về bản ngã và tánh biết, tôi vẫn tò mò về những trải nghiệm của mình bằng cách để ý xem tôi cảm thấy thế nào và quan sát từng loại suy nghĩ đang diễn ra trong đầu mình. Trong từng khoảnh khắc luyện tập thiền trọn vẹn nhận biết, tôi có thể nhận thấy được cảm giác thực sự của cơ thể. Việc rèn luyện sự quan sát này, giúp tôi tránh được những “lối đi tắt” của tâm trí, tránh được trạng thái “phi công tự động” và những đánh giá hời hợt một trải nghiệm là tốt hay xấu (như những người hàng xóm kia). Nhờ có sự tò mò về tánh biết, tôi đang học cách tiếp cận những sự hoang mang và không chắc chắn trong cuộc sống hàng ngày của tôi với một thái độ tích cực.
Đấy là lý do tại sao tôi nghĩ rằng việc thực hành chánh niệm sẽ cực kì quan trọng cho những ai đang đi trên con đường phát triển và nâng cấp bản thân. Phải làm chủ được chính mình và lãnh đạo được chính mình trước rồi mới mong lãnh đạo được ai khác.
Có thể nhiều người nghĩ rằng cách sống này là quá bình thường. Giữ được thái độ và khí chất bình thản, không quá vui, không quá buồn giữa những biến động xảy ra trong cuộc đời dù là tích cực hay tiêu cực – là bạn đang sống trong vùng an toàn và chỉ phó mặc phản ứng của bạn theo những tình huống thử thách mà cuộc đời đem lại cho chúng ta.
Có thể người ta cho rằng phản ứng của bác nông dân kia là quá thụ động và ngây thơ. Tôi thì cho rằng bài học của câu chuyện ngụ ngôn này, là hãy dành tâm sức của mình vào những việc mà mình có thể kiểm soát và thay đổi. Đúng là bác nông dân không nổi sồn sồn lên mỗi khi những sự may hay không may xảy ra. Nhưng câu chuyện có ẩn ý là bác đã làm những gì trong tầm tay bác có thể, không để những ngoại cảnh mà bác không kiểm soát được ảnh hưởng lên chúng.
Ví dụ, bác có thể đã bỏ công đi tìm con ngựa giống bị mất, lúc nó dẫn đống ngựa hoang về nhà, bác và con trai đã nuôi và cố gắng thuần hoá chúng trong trang trại của mình. Chắc chắn là bác đã chăm sóc cho anh con trai bị thương của mình trong suốt thời gian vẫn phải lao động nhà nông! Thay vì lao vào phản ứng cực đoan về những điều bác không thể thay đổi như những người hàng xóm, bác chỉ tiếp tục những điều có thể làm trong tầm tay mình. Câu chuyện của bác nông dân không có hồi kết, chỉ có câu “cứ để xem” quen thuộc.
Các bạn có thấy đây giống như câu chuyện cuộc đời của chính mình không? Sẽ không có gì là quá may hay quá không may, chỉ có cái biết trong từng khoảnh khắc thì nó vẫn luôn ở đó.
Tới đây thì tôi muốn dừng bút, vì tôi lại ngộ ra thêm một điều gì đó rồi 🙂
Trang blog được thành lập và quản lý chỉ bởi một người (chính mình). Nếu bạn thích bài viết này hoặc muốn ủng hộ blog của mình, cách tốt nhất là kể về nó hoặc chia sẻ với bạn bè hay những người xung quanh mà bạn cho là bài viết này có thể hữu ích cho họ. Cheers 😉
1 Comment
Quang · November 1, 2022 at 8:38 am
Hi Quỳnh,
Bài viết rất hay về việc chúng ta nên tập trung vào những điều có thể kiểm soát được và “let it go” những điều ngoài tầm kiểm soát của mình 🙂
Comments are closed.