Hey bạn trẻ, 2-3 năm gần đây có lẽ là một khoảng thời gian khá đặc biệt với tất cả chúng ta…Thay vì được ra ngoài xã hội học hành, vui chơi, mở rộng các mối quan hệ, phần nhiều chúng ta đã quen với việc ở nhà. Và nếu ở nhà thì chắc chắn là các bạn sẽ online và làm bạn với internet nhiều hơn.
Nếu bạn cảm thấy mình đang bị thụt lùi về phía sau trong cuộc sống, hoặc có cảm giác mình bị bỏ rơi bởi bạn bè, đồng nghiệp, những người đồng trang lứa hay ngoài xã hội. Đừng quá buồn hay lo lắng, không chỉ một mình bạn thấy vậy đâu. Sự thực là không chỉ có những người trẻ (quanh quanh độ tuổi 20) mới cảm nhận được áp lực từ xã hội, độ tuổi nào cũng có thể có cảm giác tương tự.
Tại sao lại cảm thấy đang „thụt lùi“?
Người ta nói, khi mọi người đều đang tiến lên mà chỉ có ta đứng dậm chân tại chỗ, ấy cũng là thụt lùi rồi.
To stand still is to fall behind.
Mark Twain
Khi chúng ta có cảm giác mình đang thụt lùi hoặc chưa làm được gì to tát thì thường vế thứ hai của câu nói này là, „dù đã từng này tuổi rồi“ hoặc là “so với con nhà người ta”. Tại sao? Tại vì bản chất của con người – một loài động vật thông minh – là so sánh. Có thể nói bộ não của loài người được lập trình để so sánh.
Trong khoa học, phương pháp thử nghiệm và so sánh là phương pháp hữu hiệu khi muốn chứng minh hoặc cải thiện một mệnh đề nào đó. Vậy nên, sự so sánh là một yếu tố cần thiết và quan trọng để loài người tiến bộ hơn các loài động vật khác. Đặc biệt là với nền văn hoá Á đông, nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức, vào trong bộ gen của người Việt từ thuở lọt lòng, khi vừa sinh ra là người ta đã được đặt lên bàn cân để so sánh với những con người, gia đình, giá trị nào đó trong xã hội.
Lý thuyết so sánh xã hội (Leon Festinger) đã chứng minh sự so sánh có thể giúp cho con người có nhiều động lực để cải thiện, cải tiến và tiến bộ. So sánh có hai thể loại, so sánh theo hướng đi lên và so sánh theo hướng đi xuống. So sánh đi lên là khi bạn so sánh mình với những người bạn cho là giỏi hơn mình, so sánh đi xuống là khi bạn làm điều ngược lại. Trong hai kiểu thì khi so sánh đi xuống bạn thường cảm thấy tự tin và thoả mãn về bản thân mình hơn. Nhưng dù so sánh kiểu gì thì cũng có mặt hại và sự nguy hiểm của nó…
So sánh chính là kẻ trộm niềm vui.
Comparison is the thief of joy.
Theodore Roosevelt
Khi thói quen so sánh đã hằn sâu trong từng cá thể của một xã hội, việc bạn làm một việc gì đó mất đi niềm vui nguyên thuần trong bản chất của nó. Có thể bạn chỉ đang làm để chứng minh một cái gì, để đạt được một vị trí nào đó, trong mắt ai đó, so với cái gì đó mà thôi (dù bạn có nhận ra được hay không).
Mạng xã hội
Không ai có thể phủ nhận lợi ích của công nghệ và mạng xã hội, nhưng nó cũng là mối nguy tiềm tàng nếu bạn đang sử dụng công nghệ và mạng xã hội một cách quá đà.
Đây là số liệu về tác động (thực) của mạng xã hội đối với người trẻ về hình ảnh bản thân (self-image) và sức khoẻ tinh thần của họ:
Để thiết lập bảng xếp hạng này, 14 yếu tố đã được tính đến như lo lắng, trầm cảm, cô đơn, hình ảnh bản thân, sự quấy rối và cơ hội thể hiện bản thân (Statista).
Khi nhìn vào dữ liệu, ta phát hoảng vì vậy có nghĩa là hầu hết những mạng xã hội mà người Việt đang sử dụng đều gây ra tác động tiêu cực tới mental health của những người trẻ, đặc biệt là những người đang có rất nhiều thời gian trong tay để sử dụng mạng xã hội vì họ còn chưa bận cơm áo gạo tiền.
Làm thế nào để tránh/ quản lý được cái cảm giác “cần phải so sánh” này?
Chưa biết chắc chắn chính xác là có thể làm thế nào. Nhưng, câu trả lời không phải đổ lỗi cho công nghệ.
Công nghệ bản thân nó không xấu mà cách chúng ta sử dụng và sàng lọc thông tin cho công nghệ có cơ hội tiếp tục đưa đến cho bạn những nội dung mang tính so sánh hay khiến cho bạn cảm-thấy-bị-áp-lực.
Chỉ cần một cú like vào bức hình của ai đó với một cơ thể bạn-cho-là-chuẩn, thả một trái tim cho một chiếc video của CEO trẻ dưới 30 tuổi đã có nhà, xe, abc… là thuật toán sẽ tiếp tục đưa ra cho bạn những nội dung tương tự vì việc của thuật toán là làm cho bạn nghiện (The Social Dilemma – Netflix).
Ngay kể cả những mạng xã hội mà bạn tưởng là rất sạch hay chỉ dùng cho kết nối công việc như LinkedIn, cũng có thể là nơi có những mối nguy hại tới sức khoẻ tinh thần và gây cho bạn cảm giác bất an, không an toàn (ví dụ như trong thread reddit này)
Công nghệ không có lỗi, hãy sử dụng công nghệ một cách thông minh để tạo ra niềm vui đích thực. Lần tới khi bạn muốn like hay thả tim cho một câu chuyện “thành công” nào đó, hãy suy nghĩ cho thật kĩ, bạn thực sự thích nội dung đó vì cái gì, vì sự ham muốn do có sự so sánh hay vì niềm vui đơn thuần mà nó mang lại cho bạn?
Tại sao phải là thành công?
Tại sao trên mạng xã hội lại đầy rẫy những câu chuyện thành công (thường là từ rất sớm)? Đơn giản vì thường những câu chuyện đó sẽ gây hiệu ứng viral và trending hơn. Nó sẽ gây ra cảm giác ham muốn nhiều hơn ở người trẻ. Kiểu như: “giỏi thế”, “mới có tưng đấy tuổi mà”, “đúng là con nhà người ta” v.v.
Sự thật là, không ai muốn phơi bày những lần họ thất-bại hay bị dập-cho-tơi-tả, không ai muốn kể ra những sự không hay trong tâm hồn hay cuộc sống của họ (một cách chủ đích hoặc không chủ đích vì có thể họ chưa nhận ra).
Theo lẽ thường tình thì những nội dung mang tính tiêu cực sẽ cho ra những cảm xúc tiêu cực, mà tiêu cực thì còn ai quan tâm và theo dõi họ nữa. Vậy nên ai cũng muốn nói về thành công, ai cũng muốn nói đến cảm hứng. Những nội dung tưởng mang tính tích cực đó đôi khi lại đội-lốt-tích-cực bởi những cảm xúc tiêu cực và so sánh nó gây ra cho người tiếp nhận.
Cái mà bạn gọi là “thành công”, hay “hạnh phúc”, nó không có giới hạn tuổi tác, bạn không cần phải quá tiếc hay day dứt khi mình đã quá … tuổi mà chưa có … gì.
Nếu thành công của bạn được định nghĩa và so sánh bằng việc thành lập một công ty riêng, đế chế riêng, hay có một công việc người-ta-cho-là-tốt, việc nhẹ, lương cao. Thì đây, mời bạn xem dữ liệu:
Đây là danh sách những nhà sáng lập 2000 công ty thành công nhất dựa theo chỉ số Forbes Index.
Như bạn đã thấy, có thể bạn đang ở độ tuổi 25 – sắp bước vào khủng hoảng một phần tư cuộc đời, hay có thể bạn đã sắp 35 tuổi và bạn nghe ở đâu đó người ta bảo rằng đã quá muộn để start-up, thì bạn hãy nhìn xem, có bao người đã thành công ở sau độ tuổi mà bạn cho là cut-off point đó?
Adolf Dassler, nhà sáng lập ra thương hiệu adidas – niềm tự hào phổng mũi của người Đức, “thành công” ở độ tuổi 48 – tức là độ tuổi mà tôi biết rất nhiều người Việt Nam cho rằng mình có thể nghỉ phấn đấu và về bế cháu được rồi. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, tuổi thọ trung bình người Việt giờ đã lên tới hơn 70 tuổi, thế 25 năm nữa, họ muốn làm gì nhỉ.
Biết người biết ta
Phần thưởng của sự thành công khi đang còn trẻ có thể rất lớn, nhưng áp lực đi kèm nó có lẽ còn lớn hơn. Vì nhiều bạn sẽ cho rằng mình là chưa đủ, chức vị như vậy là chưa đủ cao, tiền kiếm được như vậy là chưa đủ nhiều, nhà cửa, xe cộ như vậy là chưa đủ dùng. Có bao nhiêu người trẻ thành công hay mang danh thần đồng v.v. mà chúng ta tung hô lên từ rất sớm, bây giờ họ đang ở đâu, có còn là thần đồng hay không?
Bạn có thể thành công sớm, chúc mừng bạn. Nếu bạn là bạn của tôi, tôi sẽ quan tâm tới việc bạn sống có dễ thở không, bạn có “khoẻ mạnh” và vui vẻ về tinh thần không. Bạn có thể duy trì được áp-lực-thành-công để vẫn giữ vững được địa vị xã hội, sự giàu có và niềm vui có hạn mỗi khi bạn hoàn thành được một mục tiêu, chỉ tiêu nào đó không?
Bạn chỉ có thể biết đủ và trọn vẹn vô cùng với thành công của mình khi bạn thực sự biết mình muốn gì. Ví dụ như, nếu nói bố mẹ tôi muốn nuôi dạy con cái trở thành người lễ phép, sống có đạo đức, có ích cho xã hội và biết tự tìm cho chúng tôi thành công của riêng mình. Như vậy, đối với tôi, họ đã đạt được thành-công-theo-nghĩa-của-họ rồi.
Khi bạn nhận ra được thành công của người khác và thành công của bạn có thể mang những định nghĩa khác nhau, thì khi đó bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy phải so sánh, bị thụt lùi hay bị bỏ rơi so với những người đồng trang lứa hay là so với con nhà người ta nữa.
Hoa nở muộn và nở sớm
Trong thiên nhiên có những loài động vật, thực vật khác nhau, chúng đạt được đỉnh cao về thể chất, tinh thần, vẻ đẹp ở những thời điểm khác nhau.
Khi bạn nhìn một đoá hoa nở lúc 10 giờ sáng và nhìn một đoá hoa nở lúc nửa đêm, bạn có cho là đoá hoa nở ban đêm ít đẹp hơn không? Chắc chắn là không, vì quan trọng không phải thời điểm, mà quan trọng là nó đã “nở”, để bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tột cùng của nó.
Loài người chúng ta có sự may mắn hơn những sinh vật khác là khoảng thời gian giữa khi chúng ta “nở” và “tàn” là khá dài, tạm tính là từ năm 21 tới 60 tuổi.
Trong xấp xỉ 40 năm đó, có thể bạn sẽ đạt được đỉnh cao từ rất sớm, nhưng nếu chưa, cũng đừng quá căng thẳng, cơ hội của bạn có thể còn nằm ở phía trước. Thay vì ủ rũ và lo lắng thì bạn có thể tập luyện để chuẩn bị tốt nhất cho cơ hội được “nở hoa” của mình.
Kỉ luật, tính nhất quán, sống tỉnh thức
Thành công không đến theo phương trình chỉ có một biến. Nó giống như hình zig-zag có nhiều biến số thì đúng hơn. Đơn giản vì con người chúng ta không phải máy tính, chúng ta có thiên hướng mắc sai lầm, thậm chí rất nhiều sai lầm.
To err is human, to forgive, divine
Alexander Pope
Tạm dịch: Làm người ai cũng mắc lỗi lầm, biết tha thứ mới là thần thánh.
Cái mà tôi gọi là đồ thị cuộc đời nó giống hình minh hoạ phía bên phải:
Trong cuộc sống sẽ có lúc bạn đi lên hoặc đi xuống. Có sức bật để vực dậy từ những sai lầm hay thất bại của mình để tiếp tục đi lên là điều bạn cần luyện tập.
Không quan trọng là bạn đang đi xuống đang đi lên, đó chỉ là những cái “noise” trên đồ thị cuộc đời của bạn, quan trọng là xu hướng, độ dốc của đồ thị, đó mới là bản chất của con người bạn.
Để có được thành công theo định nghĩa của riêng bạn cần tính kỉ luật và sự nhất quán. Để có được kỉ luật cần tạo dựng thói quen. Sự nhất quán phải có từ suy nghĩ tới hành động. Khi bạn hành động một cách có kỉ luật và nhất quán với hệ giá trị và mục tiêu thành công của bạn, nó sẽ tạo dựng được niềm tin.
Ví dụ như, sếp tin sẽ tin tưởng giao cho bạn một dự án nào đó vì bạn luôn là người cẩn thận, hay vì bạn luôn là người đáng tin và hoàn thành công việc đúng hạn. Một chính trị gia được bầu lên làm người đại diện của một quốc gia khi người ta tin vào những điều người ấy hứa và làm có sự nhất quán. Sự tin tưởng có một sức mạnh bội phân, là cánh cửa mở ra những cơ hội mà bạn không cần phải dày công đi kiếm.
Cuối cùng, sống tỉnh thức, là sống trọn vẹn với hiện tại, của chính mình chứ không phải của ai khác. Khi bạn cảm thấy bị thụt lùi tức là bạn đang sống trong cái khoảng cách giữa bạn và một ai đó. Chỉ có sự nhận biết và hưởng thụ trọn vẹn phút giây hiện tại cho dù bạn đang làm gì và ở vị trí nào trong đồ thị cuộc đời, mới đưa đến niềm vui đích thực.
Khi ấy bạn không cần tác động của mạng xã hội hay sự công nhận của người ngoài khi đạt được thành công, chính bạn đã “nở”.
Vậy nên bạn trẻ…
Nếu đang cảm thấy mình có hướng đi và mục tiêu khác so với bè bạn, nếu bạn thấy hướng đi của mình là đúng đắn, thì bạn phải tiếp tục. Những gì người khác muốn bạn đạt được, chưa chắc đã là sự lựa chọn tốt nhất cho bạn. Trong thước đo của sự thành công (của chính bạn), chỉ có bạn của ngày hôm qua và bạn của ngày hôm nay, không có sự xuất hiện của bất cứ ai khác. Sẽ không bao giờ có “sự thụt lùi” nếu bạn tiếp tục kiên trì với mục tiêu bạn tự đặt ra, với thành công bạn tự định nghĩa.
Mỗi người sinh ra đã là một limited edition, một bản thể có riêng và duy nhất, cho dù nó có hoàn hảo hay không, cớ sao lại thích làm bản sao của người khác?
Trang blog được thành lập và quản lý chỉ bởi một người (chính mình). Nếu bạn thích bài viết này hoặc muốn ủng hộ blog của mình, cách tốt nhất là kể về nó hoặc chia sẻ với bạn bè hay những người xung quanh mà bạn cho là bài viết này có thể hữu ích cho họ. Cheers 😉
4 Comments
Huyền · April 9, 2022 at 10:38 am
Your post made my day =)) phải dũng cảm để có sự tỉnh thức mà không peer pressure nữa thui ạ
Huyền · April 9, 2022 at 10:44 am
Your post made my day =)) phải dũng cảm để có sự tỉnh thức mà không peer pressure nữa thui ạ. Bài này giúp em đang ồ ạt vồ vập đón nhận tất cả cơ hội vập vào mình mà phải dừng lại để suy nghĩ những cơ hội đó có phù hợp với hướng đi của mình không *điều quan trọng huhu*
Quynh Ph · April 13, 2022 at 5:11 am
Huhu, comment của em cũng made my day!! 😍 đúng cuối cùng vẫn chỉ là em biết được thực sự em có những giá trị và muốn gì, chúc em luôn tỉnh thức nhóoo ^^
Cách đặt mục tiêu cá nhân (thông minh) - Quynh's Musing · April 28, 2022 at 6:25 am
[…] đã nói ở bài trước, bản chất của não bộ con người là so sánh và thường chúng ta cảm thấy mãn […]
Comments are closed.